Những người nông dân lên phố làm ăn, phần nhiều chỉ mong kiếm chút vốn liếng rồi về quê, bên vợ, bên con. Nhưng vốn liếng có rồi, mà đường về làng thì trăm mối ngổn ngang.
Người đàn ông trong câu chuyện này chưa bao giờ muốn rời làng quê. Nhưng ở vùng quê của anh, chỉ trông vào cây lúa thì cuộc sống cực nhọc, lúc nào cũng lo lắng về miếng cơm manh áo. Anh cũng đã lấy vợ, một cô gái cùng xã và nhanh chóng sinh được hai đứa con. Hai vợ chồng, hai đứa con trông vào vài sào ruộng, ăn còn chẳng đủ chứ chưa nói gì đến tiền cho con đi học, tiền may cho con manh quần tấm áo cho bằng chúng bạn. Anh vốn là người đàn ông chịu thương, chịu khó, thương vợ, thương con. Không đành lòng trước cảnh nhà như vậy, dẫu không muốn, song anh quyết chí lên thành phố lập nghiệp. Xa nhà thấm thoắt đã được 3 năm, anh cũng đã gửi được ít tiền về, vợ anh cũng sắm được cái ti vi để hai con đỡ phải đi xem nhờ. Đổi lại, trong 3 năm đó, anh cũng chịu đủ nỗi khổ của một người đi làm thuê ít học. Làm việc ngày tới 15 tiếng, thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ, tiền bảo hiểm xã hội cũng không được đóng. Vì vợ con, anh luôn cố gắng hết mình, rồi cũng dành dụm được ít tiền, anh tính về quê sắm cái công nông, quanh quẩn ở quê nhà cho gần vợ, gần con. Nhân dịp về quê vừa rồi, anh tâm sự với vợ. Nghe vậy, vợ anh mừng lắm, chị cũng chẳng hề muốn xa chồng.
|
Đường về làng - Ảnh minh họa |
Hai vợ chồng bàn tính mãi rồi anh cũng quyết định bỏ việc về quê. Thế nhưng, người tính chẳng bằng trời tính. Lệnh cấm công nông được ban, mọi chuyện bỗng trở thành khó khăn. Anh thực sự cảm thấy khổ tâm đến mất ăn mất ngủ. Chút vốn liếng dành dụm, định mua công nông, giờ xoay ra hướng nào cũng khó. Vợ động viên: "Thôi thì, từ từ rồi tính, ruộng vườn còn đó, đã hết cái ăn đâu mà lo". Chị không hiểu rằng, điều lo lắng của chồng lại là chuyện khác.
Làng của anh vốn thuần nông, dân trí còn thấp. Ngày mùa còn đỡ, chứ tháng ba ngày tám toàn những người rỗi việc, ai có việc gì là nói ra nói vào. Những người đi thành phố làm ăn mà trở về quê, thế nào cũng bị đơm đặt điều nọ tiếng kia. Anh cũng không nằm ngoài số đó. Từ hôm về nhà để chờ xin việc ở thị xã, đi đâu anh cũng thấy những ánh mắt nhìn mình là lạ. Anh vừa bước vào cái quán nước đầu làng thì thấy những người ngồi trong đó im bặt. Rồi họ còn nói chuyện người nọ người kia vừa phải quay về quê chắc vì làm ăn chẳng ra gì, rồi thì “cóc chết ba năm lại quay đầu về núi”.
“Cóc chết ba năm lại quay đầu về núi”. Có người còn nói đến tai anh “chắc là anh dính đến nghiện hút, có khi lại ếch iếc cũng nên, nếu không sao bỗng dưng về nhà bám váy vợ?”... Nghe những câu như thế, anh thấy nóng cả mặt. Thanh minh được với một người chứ thanh minh làm sao được với cả làng?
Có người còn nói đến tai anh “chắc là anh dính đến nghiện hút, có khi lại “ếch iếc” cũng nên, nếu không sao bỗng dưng về nhà bám váy vợ?”... Nghe những câu như thế, anh thấy nóng cả mặt. Thanh minh được với một người chứ thanh minh làm sao được với cả làng. Không thể chờ hơn được, anh đành quay lại thành phố làm việc tiếp. Mấy đêm rồi, anh không chợp mắt được. Bởi lẽ đi làm cũng cơ cực quá mà lại thương vợ con ở nhà vất vả, mình ở xa không thể đỡ đần. Mà trở về thì lại phải chịu những lời bàn tán bóng gió của xóm làng. Anh thà chịu cực nhục nơi đất khách quê người, còn hơn chịu sự dèm pha của người làng, người xóm…
Thực ra, khi đọc bức thư của người đàn ông này, tôi biết anh không chờ đợi những lời khuyên. Anh đã biết mình lựa chọn điều gì. Có lẽ, điều anh chờ đợi là sự cảm thông, anh muốn nhắn gửi tâm sự của mình tới những người đồng hương. Thói đưa chuyện của người quê vốn là chuyện muôn thuở, cũng chẳng nên trách họ làm gì. Đời sống làng quê có quá nhiều buồn bã. Mà nỗi buồn của làng quê cũng một phần bắt đầu từ sự vắng vẻ, khi những người đàn ông bỏ làng xuống phố. Nếu như, trên đồng đất của mình, những người nông dân có thể sống mà không cần ly hương…/.