Một phụ nữ trẻ viết thư kể về cuộc đời đầy buồn tủi của mình. Đọc xong, tôi không biết ai buồn hơn ai: Tôi, một người ngoài cuộc; người phụ nữ ấy, hay những người đã gây nên nỗi buồn của chị?

Người phụ nữ ấy kể rằng: “Bố mẹ tôi ly hôn, họ ra toà vì bố đi bộ đội, mẹ ở nhà không chung thuỷ. Tôi được bố giành giật phần nuôi, nhưng bố cứ theo đơn vị đi suốt, bé con 3 tuổi là tôi khi thì ở với bà, khi với cô, khi với bác... Tôi không phải vất vả kiếm miếng cơm nhưng cảm nhận về mái ấm gia đình hoàn toàn không có.

Sau khi ly hôn, mẹ có về 1 - 2 lần “rình” bắt tôi nhưng không được. Bà đi luôn không trở về, cũng không có lấy một đồng quà tấm bánh gửi cho tôi. Trong nhà, không ai được nhắc điều gì liên quan tới mẹ. Đó là lần thứ nhất tôi mất mẹ...

17 năm sau, tôi học xong lớp trung cấp, về một đơn vị quân đội công tác. Có cuộc sống tự lập, tôi tự xin bố đi tìm mẹ. Nước mắt tôi đã rơi như mưa khi gặp mẹ, những ngày thơ ấu sống cảnh nay đây mai đó, chịu bao đòn roi tủi nhục vì không có mẹ bỗng hiện về, tôi đã kể cho mẹ tất cả mọi điều. Rồi mẹ muốn tôi chuyển ra đó với mẹ. Tôi hăm hở trở lại Sóc Sơn, xin rút hồ sơ ra quân.

dau-an-cua-long-thu-han.jpg

Tai hoạ là trong bản lý lịch rút ra đó, bố đã “tặng” cho tôi dòng chữ “Mẹ bỏ đi lấy chồng khác”, cho dù hai người đã chia tay đường hoàng trước một phiên toà. Nhìn phần lý lịch tự khai trong hồ sơ của tôi, mẹ cho rằng con gái cố tình giáng cho mẹ một đòn chí tử, một điều sỉ nhục.

Mẹ tuyên bố từ tôi, mặc cho tôi xin lỗi thế nào. Đó là lần thứ hai tôi mất mẹ!

Mẹ rũ bỏ, không còn việc làm, tôi hoàn toàn bơ vơ. Đang là một chuẩn uý chuyên nghiệp trong quân đội, nghe lời mẹ vội xin ra quân. Mà từ khi tôi đi tìm mẹ, bố đã nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh nhạt khiến tôi chẳng thể quay về.

Lại những tháng ngày lang thang nhà bác, nhà cô. Sau này tôi lấy chồng, theo chồng về quê làm ruộng, vất vả mưu sinh, thiếu ăn thiếu mặc, đói khổ đến mấy năm trời nhưng không thể cậy nhờ được ai. Có mẹ mà lại thành ra không có mẹ. Có bố và dì ghẻ cũng như không. Tất thảy họ đều giàu có khá giả!

18 năm qua, tôi không tìm lại mẹ nữa, cũng 7 năm tôi không về thăm được bố. Ở cách xa quê nội gần 2.000km, tiền nong đi lại là cả một vấn đề, vợ chồng tôi thì nghèo. Mà bố cũng chẳng ưa gì tôi, nhìn thấy con là bao nhiêu cái nóng giận trong ông trỗi dậy.

Một bà bác thường chửi tôi là bạc. Tôi chỉ im lặng. Bác làm sao hiểu được, từ nhỏ đến lớn tôi chỉ như kẻ lữ hành đơn độc. Một lời dạy bảo ân cần từ mẹ, cha cũng làm sao có được! Đến lúc lấy chồng, sự nghèo khó khiến tôi càng thêm thất lễ. Thôi thì đành chịu vậy chứ biết làm sao. Chỉ có điều nghĩ về quê hương, về bố mẹ mà vẫn thấy nhói đau trong lòng nên mới viết ra vài dòng tâm sự. Như một lời giãi bày với mẹ cha...”.

Tôi đã đọc nhiều lần những dòng tâm sự ấy. Trong cuộc đời có rất nhiều lý do để cảm thấy khổ đau. Nhưng nỗi đau khổ của người bạn này thật đáng buồn. Một con người sinh ra không còn mẹ cha đã là một nỗi buồn, nhưng còn mẹ còn cha mà không được cảm nhận tình mẫu tử thì còn đáng buồn hơn.

“Sự thù hận luôn đáng sợ, và khi tình yêu biến thành lòng thù hận thì còn đáng sợ nhiều hơn. Chỉ có sự cảm thông mới nuôi dưỡng được tình yêu, để cuộc đời đáng sống hơn”.

Có thể câu chuyện đã không buồn đến thế nếu như người phụ nữ ấy không mất mẹ lần thứ hai. Người mẹ của chị đã quá vội vàng và cực đoan khi từ bỏ chị chỉ vì dòng chữ ghi trong lý lịch. Nhưng, cứ mỗi lần đọc lại lá thư, tôi càng thương bà mẹ ấy nhiều hơn. Tôi không nghĩ rằng, chỉ một mình cô con gái mang cảm giác mất mát. Nếu như chị buồn vì hai lần mất mẹ, thì người mẹ đó cũng đau khổ không ít vì mất con. Một sai lầm trong hoàn cảnh xa chồng đã khiến bà phải chia tay gia đình, bỏ lại đứa con gái 3 tuổi cho chồng nuôi. Sau khi ly hôn, đã hai lần bà tìm cách mang con đi theo nhưng bất thành, chứng tỏ bà không hề muốn bỏ rơi con.

Có thể cảm thông với lòng thù hận của người chồng khi bị vợ phản bội, nhưng cũng thật đáng sợ cho sự cố chấp của đàn ông. Có thể, khi viết vào lý lịch quân nhân của con gái dòng chữ “Mẹ bỏ đi lấy chồng khác”, ông chỉ nghĩ đến nỗi đau của mình mà không biết rằng con chữ ấy đã đóng dấu vào thân phận con gái.

Dòng chữ ấy theo suốt cuộc đời, khiến cô không thể nào nguôi quên nỗi đau thân phận. Dòng chữ ấy cũng khiến người mẹ sau bao năm vẫn còn đau đớn đến mức không thể đón nhận sự trở về của cô con gái. Mọi chuyện sẽ khác nếu như sự thù hận của bà không quá lớn để vượt qua tình mẫu tử, không quá lớn để vượt qua tình thương với đứa con thiệt thòi. Các cuộc xung đột tâm lý trong con người phần thắng không phải lúc nào cũng thuộc về các giá trị nhân văn. Sự thù hận thông thường đã luôn là một điều đáng sợ. Khi tình yêu biến thành lòng thù hận thì còn đáng sợ nhiều hơn. Sự chuyển hoá ấy khiến người cha ghi dấu nỗi đau của mình vào lý lịch của con, khiến người mẹ từ bỏ đứa con mà bà đã bằng mọi cách để tìm lại. Còn người con gái, tôi mong chị không mang theo suốt cuộc đời mình lòng thù hận khi nghĩ về mẹ, cha. Hy vọng, chị sẽ nghĩ về cha, mẹ mình với nhiều cảm thông hơn, bởi chỉ có sự cảm thông mới nuôi dưỡng được tình yêu, để cuộc đời của chị đáng sống hơn./.