1, Hôm qua, mở Facebook thì anh bạn nước ngoài đang học tiếng Việt chat sang hỏi về làn sóng nhắn tin “Em yêu anh” đang rất được ưa chuộng diễn ra trên mạng. Anh không hiểu tại sao nó lại có thể trở thành một làn sóng, giải thích cỡ nào anh cũng không hiểu. Yêu thì nói yêu, sao nói yêu mà lại có thể trở thành trò đùa?

Tôi giải thích với cậu ấy rằng người Việt nhất là người trong gia đình vốn ngại nói lời yêu thương với nhau, người ta trọng thể hiện tình cảm bằng hành động. Anh bảo tôi nêu ví dụ. Tôi khựng lại vì trong đầu tôi chỉ hiện ra những hình ảnh đối lập của những đức ông chồng hết giờ làm là rủ nhau nhật nhẹt, bia bọt để chém gió còn những bà vợ đầu tắt mặt tối với con cái, cơm nước, giặt giũ và lo chuyện họ hàng 2 bên.

Và rồi khi gặp nhau thì là những lời cằn nhằn của vợ về lương tháng ít ỏi, về sự mệt mỏi vì chồng không chia sẻ việc nhà và chồng thì chán nản vì vợ trông lam lũ không còn xinh tươi như hồi đang cưa nhau. Phần nhiều gia đình Việt đang ở trong tình trạng như vậy, chẳng nhẽ không có cách nào khác tốt hơn?

fb1_10__mutd.jpg

2, Hôm nay, tôi nhận được cuộc gọi đầy nước mắt của người bạn cấp III nhờ giới thiệu bác sĩ tâm lý vì cô ấy đang vô cùng khủng hoảng. Trước giờ cô luôn tin tưởng chồng mình, ngưỡng mộ vì anh ấy giỏi giang và cô luôn cáng đáng mọi việc nhà để anh phấn đấu trong sự nghiệp dù rằng lương của anh kiếm được chỉ bằng 1/3 của cô.

Chỉ có 1 điều cô hay phàn nàn với chúng tôi đó là anh ăn nói nhiều khi khá cục cằn với vợ, nhất là những lúc nhắn tin hoặc chat qua mạng thường cộc lốc. Cô giận dỗi nhiều lần anh không chịu sửa, thế là cô đành chịu và mặc kệ. Nhắn tin giữa hai vợ chồng thường là về việc đón con và cô chả còn nhớ là từ khi nào sau ngày cưới hai người không còn chat và nhắn tin nói chuyện tình cảm với nhau.

Rồi một ngày cô phát hiện ra chồng cô chat và nhắn tin vô cùng tình cảm với những lời yêu đương nồng cháy với một cô gái thua kém cô đủ đường từ ngoại hình đến tính tình và sự nghiệp. Thì ra những chiều, tối và cả đêm anh chat với cô gái kia nhưng lại bảo là đang phải xử lý việc quan trọng của cơ quan, còn cô thì cáng đáng mọi việc nhà rồi ngắm anh từ phía sau đầy ngưỡng mộ mà không biết là đang tạo điều kiện cho anh ngoại tình...

Sự việc vỡ lở, anh xin lỗi cô, hứa sẽ cắt đứt với cô gái kia và chống chế cho hành động của mình là vì thiếu thốn tình cảm, vì cô không quan tâm đến anh đủ tinh tế.

 3, Làn sóng nhắn tin “Em yêu anh” được xuất phát từ status của bà mẹ một con Phạm Tâm có nickname trên Facebook là Su.S với nội dung: Chơi trò này không các chị ơi. Bây giờ lấy điện thoại nhắn tin cho chồng 'Em yêu anh'. Đợi xem phản ứng của các ông ý thế nào rồi chị em mình post kết quả lên đây. Em đoán chồng em sẽ nhắn tin lại 'con điên này'".

Không phải tự dưng mà “phép thử” này đã nhanh chóng được lan tỏa trên cộng đồng mạng và gây sốt, bởi nó chính là thứ đang rất thiếu ở thế giới này. Chỉ là một trò chơi được lan truyền trên mạng, nhưng các chị em đã nhận được những kết quả bất ngờ khi nhắn cho chồng “Em yêu anh”. 50% của trò đùa có khi là sự thật và những kết quả tin nhắn đó có thể khiến họ cười đấy nhưng cũng khiến ta phải suy nghĩ.

Những gia đình nào vẫn giữ được sự mặn nồng xuyên suốt từ khi yêu, cưới và hôn nhân hạnh phúc thường nhận được những phản hồi tích cực từ phía người chồng bằng những câu trả lời đơn giản chân thành, cũng có khi là một lời nhắn lại thú vị đầy sáng tạo của người chồng khiến tình cảm thêm gắn kết.

Những gia đình nào không còn thắm thiết thì phản ứng của người chồng sẽ đi từ ngạc nhiên đến nghi ngờ và thậm chí là những lời nói cộc lốc. Những phản hồi này có thể khiến ta bật cười nhưng sâu xa là một sự tổn thương không hề nhẹ.

Chỉ là một trò đùa trên mạng ảo, nhưng nó cũng khiến ta phải suy ngẫm nghiêm túc. Ngày xưa thì còn đổ cho lễ giáo phong kiến, nhưng nay là thời yêu đương tự do, tự do hôn nhân. Những người đến với nhau “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” vậy mà sao khi cưới nhau rồi thì lại khó khăn khi bày tỏ tình cảm đến thế? Phải chăng người Việt mình đang quá tiết kiệm lời yêu thương với nhau?

Kết quả của một trò đùa trên mạng nhưng lại động đến một khía cạnh rất thật của cuộc sống, đó là hạnh phúc. “Lời nói chẳng mất tiền mua”, “lời nói gió bay” sẽ chẳng có giá trị khi chỉ là “chém gió”, là nói mà không làm. Nhưng cuộc sống hôn nhân có thực sự bền vững và hạnh phúc không khi hàng ngày thiếu đi những lời yêu thương?