VOV.VN - Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá nhiều khiến tuyến đường bị quá tải trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ở TP. Hồ Chí Minh, cùng với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì nạn ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái (Quận 2) đang diễn ra hết sức căng thẳng.
Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá nhiều khiến nhiều tuyến đường trên đường Nguyễn Thị Định bị quá tải trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Đường Nguyễn Thị Định sẽ được mở rộng.
Cảnh thường thấy nhất khi vào cảng Cát Lái là dòng xe container xếp hàng dài trên đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, vòng xoay Mỹ Thủy...
Mặc dù có nhiều cổng ra vào cảng khác nhau nhưng các tuyến đường trên gần như là độc đạo, các hướng khác đều phải đi về vòng xoay Mỹ Thủy để vào cảng nên ùn tắc, kẹt xe là điều không thể tránh khỏi.
Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái tăng đều qua từng năm. Nửa đầu năm nay sản lượng đạt hơn 2,1 triệu TEU, tăng 13% so với cùng kỳ ngoái. Trong khi cơ sở hạ tầng khu vực này chưa hoàn thiện, nhiều đoạn thắt cổ chai, cộng với một lượng lớn xe ra vào các khu công nghiệp Cát Lái và qua phà để đi Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng làm cho ùn tắc thêm trầm trọng.
Vì thế trước mắt, Tân Cảng bố trí nhân sự 24/24h tại các cổng, từ tháng 4/2017, 100% khách hàng đưa container hàng xuất đến cảng đã làm thủ tục giao nhận và thanh toán qua mạng. Nhờ đó đã rút ngắn thời gian thủ tục từ 13 phút xuống còn 6 phút… không để ùn tắc vì xe chờ.
Về lâu dài, Tân Cảng ủng hộ chủ trương chuyển dịch dần hàng hóa từ khu vực TP. Hồ Chí Minh ra khu vực Cái Mép, đề nghị quy hoạch các cảng cạn (ICD) nằm sâu trong nội địa hướng theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai ở khu vực Củ Chi, Bình Dương và Đồng Nai…
Hiện Tân Cảng đang kết hợp với Tổng công ty Đường sắt triển khai dịch vụ vận tải đường sắt và hứa hẹn tiềm năng vận tải rất lớn.
Nút giao Mỹ Thủy.
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi cũng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai, điều hành của Bộ Giao thông vận tải, đó là điều tiết hàng hóa, chống ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ, đặc biệt là cụm cảng Cát Lái. Phát triển các cụm cảng khác như Hiệp Phước, Cái Mép – Thị Vải. Tuy nhiên phải cố gắng đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND Quận 2 cho biết: “UBND Quận phối hợp với các đơn vị liên quan và trọng tâm xử lý là nhắm vào các bãi sang tải trái phép ở khu vực gần cảng, siết chặt quản lý giao thông, lắp các dải phân cách bằng bê tông, bố trí lực lượng để xử lý dứt điểm các bãi sang tải trên. Hiện các bãi trước cảng chúng tôi đã xử lý dứt điểm và các bãi khác cũng chúng sẽ giải quyết vào cuối năm”.
Về giải pháp công trình, TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như dự kiến mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái) với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng, mở làn đường ra cầu Kỳ Hà 1, đường Đồng Văn Cống, đặc biệt dự án vòng xoay Mỹ Thủy dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán giao thông.
Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh nói: “Nút Mỹ Thủy đang thi công giai đoạn 1, tiếp theo các đường nối trong cảng Cát Lái ra Vành đai 2 sẽ khởi công trong năm 2018. Cùng với đó, Vành đai 2 đoạn từ Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu sẽ nâng cấp lên 3 làn xe, làm dải ngăn cách xe máy và ô tô, đảm bảo an toàn giao thông và lâu dài nữa là khép kín Vành đai 2”.
Cảng B - Cổng chính của Tân Cảng - Cát Lái luôn đông đúc.
Theo Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, cảng Cát Lái có lượng xe container rất lớn với khoảng 15.000 lượt xe/ngày. Trong khi đó, cầu vượt nút giao Mỹ Thủy gần như chỉ giải quyết cho các xe đô thị, trong khi xe contaner vẫn gặp giao cắt nhau thì sẽ không hiệu quả. Vì thế bài toán giao thông cảng Cát Lái chỉ có thể giải quyết khi có một qui hoạch ổn định, rõ ràng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trong một lần đi thực tế tại cảng Cát Lái cho biết, sẽ có lúc cảng đạt đến 20.000 xe/ngày ra vào cảng, nên không điều tiết giao thông thông minh mà chỉ công trình thì không theo kịp.
Nhu cầu các tàu đến với Cát Lái là vì kinh tế nên việc tìm cách nâng cao năng lực cảng Cát Lái rất có ý nghĩa trong thời gian trước mắt.
Việc giám sát và điều tiết thông minh có cơ hội thu thập dữ liệu, phát hiện hành vi của người tham gia giao thông và điều tiết tốt hơn, từ đó các qui hoạch và giải pháp công trình sẽ hợp lí.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói: “Nếu chúng ta không giải quyết bài toán giao thông là thiệt hại cho thành phố về kinh tế. Chúng ta không điều các tàu nước ngoài xuống Bà Rịa – Vũng Tàu được, họ có sự lựa chọn của họ. Nên việc tìm cách nâng cao năng lực cảng Cát Lái cả bên trong, bên ngoài rất có ý nghĩa và phải thực hiện trong thời gian trước mắt”.
Cảng Cát Lái có tầm quan trọng trong nền kinh tế của TPHCM.
Giải quyết bài toán giao thông tại khu vực cảng Cát Lái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. Việc này sẽ chỉ thành công khi có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng để làm sao vừa đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp vận tải và đảm bảo mục tiêu an toàn giao thông./.
VOV.VN-Từ 1/1/2017, doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua cảng Cát Lái phải đăng kí thủ tục và thanh toán trực tuyến mới được đưa hàng hóa ra vào Cảng.