Ngày 29/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải và Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế cho biết, sau 40 năm, giao thông thành phố đã có những phát triển nhanh chóng nhưng sự gia tăng của dân số quá nhanh đã gây ra những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, như tình trạng kẹt xe, ùn ứ nghiêm trọng… Tính đến ngày 15/3 vừa qua, số phương tiện cá nhân đã lên đến hơn 7,5 triệu xe (gồm gần 7 triệu xe mô tô và hơn 570.000 xe ô tô).

ban_giai_phap_tphcm_fbim.jpg
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGT quốc gia phát biểu.
Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông ở thành phố này có mức tăng rất thấp – chỉ khoảng 2%. Tuy thành phố đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia thực hiện chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông đã giảm hẳn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.

Đó là: còn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số người chết còn cao, tình hình ùn tắc giao thông gia tăng tại khu vực trung tâm và các trục đường chính của thành phố, vận tải hành khách công cộng mới đảm nhận chưa tới 10% nhu cầu đi lại, việc ứng dụng công nghệ còn chậm, ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao.

Tại hội thảo, nhiều tham luận thiết thực đã được trình bày, trong đó, tập trung vào các giải pháp chính như xây dựng và hoàn thiện chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khai thác có hiệu quả kết cấu giao thông hiện hữu, tổ chức lại giao thông khoa học, rà soát các khu vực có nguy cơ gây ùn tắc để điều chỉnh phù hợp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; đồng thời, chú trọng phát triển việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho đường bộ.

Về vấn đề đang nóng hiện nay là quản lí trật tự lòng, lề đường và vỉa hè, Tiến sỹ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta phải tìm ra bước để hài hòa lợi ích, hài hòa những việc đó. Tôi nghĩ là khó tuy nhiên chúng ta cần phải làm từng bước. Thành phố cần ban hành chính sách theo tình hình thực tế cho một số tuyến buôn bán, hoặc chúng ta có thể thành lập một công ty khai thác vỉa hè, quĩ vỉa hè để chúng ta điều tiết đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể sử dụng”.

Ngoài các giải pháp về hạ tầng, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp ở Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải mạnh tay xử lí những trường hợp người thực thi pháp luật vi phạm, xử phạt nghiêm các xe quá tải, nghiêm cấm các cá nhân cố tình can thiệp cho người vi phạm dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, khi phạt người vi phạm, phải xử lý nghiêm túc và kết hợp với học lại Luật Giao thông: “Tôi kiến nghị sửa lại Nghị định 171, nên cho cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh và có thể là Hà Nội là phạt nặng gấp 3 – 5 lần bình thường để không dám vi phạm. Đương nhiên là phạt nặng, thứ hai là phạt nhanh”.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông là một bài toán tổng thể, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Vấn đề quan trọng trước hết là công tác quy hoạch; thứ hai là thành phố phải thực hiện đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, vận tải bằng xe buýt và xe buýt nhanh. Song song với phát triển nâng cao chất lượng phục vụ, cần có giải pháp hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, phát triển hạ tầng, tạo thông thoáng đường vỉa hè cho người đi bộ, đi bằng phương tiện xe đạp, nhằm thu hút người dân dùng phương tiện công cộng.

Những ý kiến từ hội thảo này sẽ được Bộ cùng Sở Giao thông vận tải thành phố tiếp thu và sẽ rà soát nghiên cứu để đưa vào qui hoạch.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói: “Với yêu cầu cấp bách của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, hướng tới phát triển, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại đòi hỏi cần phải có sự quyết liệt nỗ lực hơn nữa của tất cả các hệ thống, Trung ương, địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, toàn thể người dân. Đồng thời tận dụng tối đã các nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”./.