Không chỉ tận thu tiền của những người tham gia lưu thông, việc các trạm thu phí giao thông mọc dày đặc trên nhiều tuyến đường và cửa ngõ ra vào các thành phố lớn đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.Ùn tắc giao thông.
Ùn tắc… mặc bay?
Tại hầu hết các trạm, trước khi triển khai thu phí giao thông đường bộ, nhà đầu tư cam kết với ngành giao thông sẽ cho “xả” trạm nếu xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực thu phí. Cam kết một đằng nhưng vì lợi ích cục bộ, nhiều nơi làm một nẻo nếu vắng bóng lực lượng thực thi công vụ.
7h30 ngày 11/3, xa lộ Hà Nội, đoạn qua trạm thu phí hoàn vốn cho công trình cầu Rạch Chiếc (quận 9, TPHCM) xuất hiện tình trạng ùn ứ. Trên làn xe 4 bánh, ô tô các loại nối đuôi xếp hàng dài hàng trăm mét từ Ngã tư MK để chờ đến lượt được nộp phí qua trạm. Sau ít phút tình trạng ùn tắc càng lúc trầm trọng hơn và lan sang cả làn xe 2 bánh vì nhiều xe tải chở hàng, xe đầu kéo container từ cảng Trường Thọ rẽ vào xa lộ Hà Nội cắt ngang hướng di chuyển của xe máy. Thậm chí, nhiều xe dừng ngay trên làn xe hai bánh để chờ nộp phí. Hàng chục hành khách đứng chờ xe buýt ngậm ngùi gọi xe ôm vì xe buýt không còn đường len vào đón khách.
Ùn ứ trầm trọng, các nhân viên vẫn bán vé thu tiền, không mở barie để giảm áp lực giao thông. Mỗi lượt xe dừng mua phí qua trạm mất khoảng 1 phút. Bà Hoa, bán khẩu trang, mắt kính trước nhà máy xi măng Hà Tiên cho biết: Kẹt xe ngày nào cũng diễn ra sáng sớm và chiều tối, vào các giờ cao điểm nhưng trạm thu phí vẫn thu, không mở barie. “Chỉ khi nào ùn tắc lan xuống ngã tư MK, ngã tư Bình Thái, xe cộ không lưu thông nổi và cảnh sát giao thông có mặt yêu cầu xả trạm để điều tiết giao thông thì họ mới chấp hành. Xe càng đông thì tiền thu càng nhiều” – bà Hoa nói.
Một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc xác nhận đã nhiều lần yêu cầu các nhân viên thu phí xả trạm vì ô tô chờ nộp phí xếp hàng dài, dừng đỗ ngay tại ngã tư, gây ùn tắc cả khu vực vì xe từ đường Tây Hòa đổ ra bị chặn đầu.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình trạng ùn tắc giao thông tương tự cũng diễn ra tại trạm thu phí cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức, TPHCM), cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1, đoạn qua TP Biên Hòa, Đồng Nai),…
Thu phí tự động giảm ùn tắc
Nhiều chuyên gia cho rằng trong điều kiện ngân sách eo hẹp, thu hút của nguồn lực xã hội dưới hình thức đầu tư BOT (xây dựng - thu phí - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), đối tác công tư (PPP) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển là một chủ trương đúng đắn. Và, việc thu phí hoàn vốn là đương nhiên, miễn sao nhà đầu tư thực hiện thu phí một cách khoa học.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, thành phố hiện có 8 trạm thu phí, trong đó 4 trạm triển khai thu phí tự động trên một số làn xe, góp phần làm giảm ùn ứ giao thông. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, công nghệ thu phí không dừng TPHCM đang áp dụng đã lạc hậu.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện, đến tháng 6 tới, cả nước có 23 trạm thu phí tự động sử dụng công nghệ hiện đại, TPHCM cần phối hợp triển khai đồng bộ ngay từ lúc này để tránh lãng phí.
“Trước đây, dự kiến mỗi trạm có 4 cửa thu phí tự động nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai bèn giảm xuống còn 2 cửa nên tình trạng ùn tắc vẫn chưa được cải thiện. Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2020 sẽ bỏ thu phí một dừng, nếu nhà đầu tư nào không triển khai thu phí tự động thì phải dừng thu” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong tối 11/3, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TPHCM, giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong cho biết đã và đang thực hiện hơn 10 dự án thu phí tự động trên phạm vi cả nước như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối Quốc lộ 13 (Bình Dương)…
Ông Quân cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thu phí tự động. Chi phí đầu tư đắt hay rẻ phụ thuộc vào tiện ích của công nghệ thu phí. Đối tượng nộp phí (ô tô) chỉ cần mua thẻ thanh toán phí tự động và nạp tiền khi tài khoản thẻ sắp cạn kiệt. Thẻ này còn có thể dùng để nộp phạt tự động nếu Việt Nam triển khai hình thức này./.