Hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNNNông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn ra chiều 19/10.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tăng cường phối hợp kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm và thông tin tuyên truyền đến mọi người dân các vấn đề mất an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 9 tháng qua các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản; đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
ong_long_pece.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - 9 tháng đầu năm số vụ ngộ độc thực phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2014

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận tìm giải pháp để đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh lực nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trước hết phải xử lý được các vấn đề nổi cộm đang gây bức xúc trong nhân dân. Đó là vấn đề chất cấm, kháng sinh và bảo vệ thực vật.

Trên thực tế, thời gian qua xuất hiện một số vụ việc gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân như: việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng.

Ông Cao Đức Phát cho biết, chất cấm phát hiện thời gian qua thuộc nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất vàng ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng) được người dân mua về trộn vào thức ăn chăn nuôi. Chất kháng sinh cũng đang bị người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lạm dụng pha trộn vào thực ăn để ngừa bệnh hoặc coi như kích thích tăng trưởng và để lại dư lượng trong thực phẩm lớn. Nếu con người ăn nhiều thực phẩm đó sẽ nhờn kháng sinh.

Ý kiến các địa phương cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân đối với an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, các ngành chức năng cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những hoạt chất được phát hiện trong thực phẩm thời gian qua có thể do người dân mua thuốc thành phẩm để sử dụng hoặc mua từ các nguồn nhập lậu…

“Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng thuốc kháng sinh để chấn chỉnh tình trạng này. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm là việc cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Đề án thanh tra thí điểm vừa được Thủ tướng phê duyệt triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa bàn chúng tôi cho rằng nóng nhất về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đề án này có nhiều điểm mới đó là trách nhiệm và quyền hạn xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm. Tới đây là 1 người, hay 1 đoàn thanh tra của tuyến huyện hoặc xã là có đầy đủ thẩm quyền xử lý các vi phạm trên cả 3 lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp và Công Thương. Trước đây chưa có đề án các Bộ mỗi lần kiểm tra phải tổ chức 3 đoàn, mỗi 1 đoàn xử lý theo từng lĩnh vực mình phụ trách khiến công tác thanh kiểm tra không đem lại hiệu quả cao”.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm mà ngành nông nghiệp đạt được thời gian qua. Việc triển khai đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp là hành động kịp thời để từng bước hạn chế vi phạm trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hội, đoàn thể cần phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng các mối nguy hại của các chất cấm trong nông nghiệp; cần triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP).

Do vậy, từ nay đến cuối năm, các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường cảnh báo đến người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm trong nông nghiệp. Các ngành chức năng cần linh hoạt, chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý những vi phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Chúng ta đã làm sâu và quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta phải làm khẩn trương hơn và thí điểm thanh tra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết và nhân rộng. Nếu triển khai thành công sẽ tạo chuyển biến rất lớn. Tôi đồng tình Bộ Nông nghiệp phát động đợt cao điểm, cao điểm ở đây là làm triển khai tập trung hơn, không phải làm sau đó ngừng mà vấn đề là rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai hiệu quả. Vấn đề ở đây không chỉ nhìn ở góc độ an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn hướng tới nông nghiệp, nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và đảm bảo sức khỏe nhân dân”.

Mục tiêu đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 2/2016. Trong đó tập trung giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đặc biệt là nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất vàng ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng); giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thuỷ sản./.