Tại Hội thảo về tác động của TPP và hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam sáng nay, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: Thách thức gay gắt nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam khi tham gia hội nhập là năng suất vật nuôi còn thấp, năng suất lao động thấp, giá thành cao. Đặc biệt hiện nay, “người chăn nuôi đang nuôi sống ngành thức ăn chăn nuôi nhưng họ lại đang chịu hậu quả của ngành thức ăn chăn nuôi gây ra”.

Quản lý lỏng lẻo, ngành thức ăn chăn nuôi “tự tung tự tác”

Khảo sát của Hội chăn nuôi năm 2014 cho thấy, hệ thống đại lý các cấp trong phân phối thức ăn chăn nuôi đang làm người chăn nuôi phải mua thức ăn đắt thêm 9-11%.

Ông Đoàn Xuân Trúc đặc biệt lo lắng cho thực trạng sự bất hợp lý của ngành thức ăn chăn nuôi đang gây ra áp lực cho người chăn nuôi. Trong đó, “công tác quản lý nhà nước đối với ngành thức ăn chăn nuôi còn lỏng lẻo nên có tình trạng nhà sản xuất và phân phối thức ăn chăn nuôi tự tung tự tác, muốn chiết khấu, khấu hao bao nhiêu cũng được, khuyến mại bao nhiêu cũng được… vì người chăn nuôi sẽ gánh các chi phí đó. Trong khi đó, tại Thái Lan khống chế lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp ngành này ở mức 5%”.
chan_nuoi_vn_ijsm.jpg
Thức ăn chăn nuôi đang bị đội giá vì quản lý lỏng lẻo (Ảnh minh họa: KT)

Quan điểm của ông Trúc là Nhà nước cần quản lý tốt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng đúng như công bố với giá bán hợp lý, có sự kiểm soát của quản lý nhà nước về khung giá bán, tỷ lệ chiết khấu cho đại lý, tỷ lệ trích khấu hao nhằm hài hòa, hợp lý giá thành, giá bán thức ăn chăn nuôi.

“Người chăn nuôi ở nước ta không cần gì nhiều, cần nhất là có giá thức ăn chăn nuôi không cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện tương tự (chẳng hạn Thái Lan, Malaysia), chứ không cần giá thức ăn giảm thấp hơn họ. Hiện ở nước ta cũng có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi, công nghệ cũng tiên tiến… chẳng kém gì thế giới nhưng do buông lỏng quản lý nên hiệu quả thấp” – ông Trúc khẳng định.

Hơn nữa, thực tế hoạt động kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dù đã được triển khai rất tích cực nhưng, theo ông Trúc, nhiều hộ chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng. Tình trạng bơm nước và tạp chất vào vật nuôi trước khi giết mổ vẫn xảy ra ở không ít lò mổ thủ công; nhà máy giết mổ hiện đại, đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm dù không nhiều nhưng lại hoạt động cầm chừng do chi phí giết mổ cao, không cạnh tranh nổi với lò mổ thủ công.

Do đó, ông Trúc kiến nghị “Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất cấm trong chăn nuôi. Vì thức ăn chăn nuôi còn là nguồn cơn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cộng đồng và ảnh hưởng nhiều đời chứ không phải đơn giản. Nếu phát hiện sai phạm cần truy tố nghiêm minh trước pháp luật. Cần khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi tự sản xuất thức ăn theo mô hình khép kín. Kinh nghiệm từ các nước phát triển tại châu Âu cho thấy, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều tự sản xuất thức ăn. Cách làm này có thể tiết kiệm 12-15% chi phí.

Đầu vào chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều từ nước ngoài

Các chuyên gia đánh giá, chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 -30% so với ở Việt Nam. Giá thành 1 kg thịt bò Úc ( nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí là khoảng 170-180 nghìn đồng/kg, trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000 đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc. Về chi phí sản xuất thịt gà công nghiệp của Việt Nam cũng vẫn cao hơn Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc…

Ông Đoàn Xuân Trúc cho biết, đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài. Thực tế, hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản đều phải nhập khẩu. Riêng năm 2014, Việt Nam đã phải nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Kim ngạch nhập khẩu 4,8 tỷ USD. 8 tháng đầu năm nay cũng đã nhập tới 2,25 tỷ USD, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, gần đây nước ta phải nhập khẩu tới 90% các nguyên liệu thức ăn giàu đạm; 80% các loại vaccines được phép lưu hành tại Việt Nam là đều nhập khẩu. Do phụ thuộc tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất trong nước giá thành cũng cao nên giá thành thức ăn chăn nuôi ở nước ta cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực châu Á.

Đây là những nguyên nhân quan trọng đẩy giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi của nước ta lên cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Thực tế này nếu không được cải thiện, ngành chăn nuôi Việt Nam có nguy cơ thua trên “sân nhà trong quá trình hội nhập ngày càng sâu với thế giới./.