Là tỉnh có đàn heo lớn nhất ở phía Nam, tỉnh Đồng Nai đã tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở đây vẫn không giảm. Vậy nguyên nhân do đâu?
Vừa qua, ngành thú y Đồng Nai đã lấy mẫu kiểm tra ở 88 trại chăn nuôi thì có đến 17 mẫu dương tính với chất cấm. Con số này năm ngoái là 12 mẫu dương tính trong số 156 mẫu kiểm tra. Nhiều người chăn nuôi heo rất bức xúc vì việc xử lý chất cấm chưa tận gốc, làm giá heo giảm từ 45-46 ngàn đồng/kg xuống còn 42-43 ngàn đồng/kg và người chăn nuôi cầm chắc lỗ. Do mức xử phạt là quá thấp, không đủ sức răn đe, nên một số hộ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng.
Cấm sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo. |
Thông tư 57 của Bộ NN-PTNT thông quy định về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi, mức xử phạt tối đa 20 triệu đồng 1 trường hợp, đồng thời heo sẽ bị giữ từ 3 đến 10 ngày, sau khi xét nghiệm không còn chất cấm thì mới được xuất chuồng. Theo nhiều người chăn nuôi thì đối với các trường hợp vi phạm, cần phải xử lý nặng như tiêu hủy đàn heo và cấm nuôi trong một thời gian.
Anh Nguyễn Quốc Thái, chủ trang trại heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom kiến nghị: “Phải xử lý người mua, bán và sử dụng chất cấm bằng hình sự thì mới tạo ra môi trường chăn nuôi lành mạnh và tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng”.
Bên cạnh mức xử phạt quá nhẹ thì những quy định của pháp luật về việc quản lý, nhập khẩu chất cấm vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là, các chất thuộc nhóm Beta-agonisl, Bộ Y tế cho nhập khẩu để điều trị bệnh, còn trong Thông tư 28, Bộ NN-PTNT quy định về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh chất này bị cấm.
Chính từ sự bất cập này, thương lái rất dễ dàng mua và bán chất cấm cho người chăn nuôi mà không ai kiểm soát. Điều đáng nói là thương lái đóng vai trò chủ động trong việc mua, bán và khuyến khích người chăn nuôi sử dụng chất cấm, nhưng hiện nay chưa được xử lý thích đáng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: “Phải xử lý kiên quyết với thương lái để thương lái không lợi dụng đưa chất cấm cho người chăn nuôi sử dụng. Về việc sử dụng giấy chính chủ, giấy chích ngừa cũng còn bất cập vì trên xe có 1 chủ thì có thể truy xuất được nguồn gốc, còn người chăn nuôi nhỏ, lẻ, trên xe có 2-3 chủ cũng không thể truy xuất nguồn gốc”.
Một bất cập khác cần kể đến là tại các trạm kiểm dịch hiện nay, kiểm dịch thú y chỉ có thể kiểm tra dịch bệnh, chứ không thể kiểm tra và xử lý xe heo có sử dụng chất cấm hay không. Vì theo Quyết định 86 về mẫu hồ sơ kiểm dịch và Quyết định 15 về quy trình kiểm dịch của Bộ NN-PTNT, hoàn toàn không đặt vấn đề kiểm tra chất cấm, mà chỉ quy định quy trình và hồ sơ kiểm tra dịch bệnh.
Theo đó, trong 1-2 ngày làm việc, khi chủ hàng có giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng chứng nhận an toàn dịch bệnh, phiếu xét nghiệm thì kiểm dịch viên phải cấp giấy chứng nhận vận chuyển lô heo đó. Điều này, cũng có nghĩa là các trạm kiểm dịch không thể giữ xe heo lại trong 3 ngày đề chờ kết quả xét nghiệm xem có chất cấm hay không?
Trong khi đó, mỗi mẫu xét nghiệm phải chi phí 1 triệu đồng, nếu mẫu đó dương tính với chất cấm thì chủ lô heo đó chịu chi phí, còn âm tính thì ngành thú y chịu. Trong khi đó, ngành thú y lại không đủ kinh phí cho công tác này.
Một bất cập đáng nói nữa là trong Thông tư 57 vẫn cho phép tồn dư chất cấm trong heo ở mức nhất định. Đây cũng là kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng... Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai nói: “Đã là chất cấm thì không được phép còn tồn dư trong thịt, trong thức ăn, nước tiểu nhưng trong Thông tư 57 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vẫn cho phép tồn dư ở mức nhất định, người ta có thể lợi dụng nó để sử dụng ở dưới mức cho phép chúng ta không thể xử phạt”.
Bên cạnh những bất cập nêu trên quy trình kiểm tra xử lý chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chưa làm tận gốc, mà mới chỉ làm phần ngọn. Điều này cũng gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc khi phát hiện các lô heo ở các lò giết mổ có tồn dư chất cấm.
Vừa qua, đã xảy ra trường hợp: giấy kiểm dịch thì đúng nhưng lô heo thì không phải của chủ ghi trong giấy kiểm dịch nên rất khó xử lý. Trước thực tế này, một số ý kiến đề nghị nên kiểm tra chất cấm từ gốc, tức là ngành chức năng phải lấy mẫu xét nghiệm về chất cấm trước khi cho heo xuất chuồng.
Về những bất cập này, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị của cấp thẩm quyền ở trên xem xét lại những quy định đó trong chế tài. Những vi phạm về việc sử dụng chất cấm, cần xử phạt họ phải dừng chăn nuôi và nếu phá sản vì việc sử dụng chất cấm thì họ mới dừng lại. Chúng ta thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, rà soát lại các mức xử phạt, quản lý được nguồn nhập khẩu chất cấm thì thời gian tới sẽ giảm được tình trạng sử dụng chất cấm”.
Trước những bất cập nêu trên, ngành chức năng nên rà soát và điều chỉnh những quy định chưa hợp lý để các địa phương có điều kiện thuận lợi xử lý triệt để và tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ “thua trên sân nhà" khi nước ta hội nhập sâu với thị trường thế giới./.