Bé gái chào đời với cân nặng 3,1 kg an toàn trong niềm vui và bất ngờ của sản phụ và ekip bác sĩ đỡ đẻ.
Bác sĩ Lê Thị Thu, Khoa Sinh - Bệnh viện Từ Dũ, người tham gia đỡ đẻ thành công cho sản phụ chia sẻ: Qua siêu âm, sản phụ biết con mình bị dây rốn quấn cổ nhưng không ngờ nhiều vòng đến như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên bác sĩ Thu gặp trường hợp em bé bị dây rốn quấn cổ đến 5 vòng, thông thường là 2-3 vòng.
Bé gái bị 5 vòng cuốn cổ. |
Trong quá trình sinh, các bác sĩ đã theo dõi tim thai và cơn gò tử cung bằng thiết bị đặt trên bụng mẹ, nhận thấy thai nhi hoàn toàn bình thường, không có hiện tượng bị đè ép dây rốn bất thường nên vẫn quyết định cho sản phụ sinh ngả tự nhiên.
Theo Bác sĩ Thu, rất nhiều sản phụ lo lắng khi đi siêu âm phát hiện bé bị dây rốn quấn cổ. Tuy nhiên, hiện tượng này khá bình thường. Bác sĩ lý giải: “Khi người mẹ mang thai em bé trong bụng, em bé nằm trong bọc ối nên thường cử động tung tăng, đá ngược đá xuôi mà dây rốn dài nên gây quấn xoay vòng ở cổ.
Tuy nhiên, do bé sống trong môi trường nước lỏng nên dây rốn sẽ không thắt chặt làm ảnh hưởng tưới máu từ bánh nhau sang cho con. Nhiều trường hợp dây rốn còn tự gỡ ra theo cử động của bé”.
Bệnh viện Từ Dũ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp có dây rốn quấn cổ thai nhi, nhưng đây không phải chỉ định buộc phải mổ lấy thai, ngay cả khi dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Tất cả sản phụ đều được đặt máy theo dõi tim thai khi vào chuyển dạ, nhằm đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra cho thai, không phân biệt thai nhi có dây rốn quấn cổ hay không.
Tuy vậy, dây rốn quấn cổ nhiều vòng như vậy hiếm gặp hơn, có thể cản trở quá trình xoay của em bé để đáp ứng cơ chế sinh tự nhiên. Vì vậy, tuỳ theo diễn tiến của cuộc sinh mà bác sĩ có thể chỉ định cần cho sản phụ sinh mổ./.