Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản là yêu cầu bức thiết của nhân dân. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền tác hại của chất cấm, sử dụng kháng sinh, hóa chất đến sức khỏe người dân, thiệt hại đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Đây là nội dung của Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy 9 tháng qua cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm còn cao, một số chỉ số an toàn thực phẩm chưa cải thiện so với năm 2014. Trong đó, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…
an_toan_thuc_pham_gtht.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là yêu cầu bức thiết của nhân dân.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết: Qua thực tiễn đấu tranh, thực phẩm đang mất an toàn ở 4 lĩnh vực đó là nguồn nhập khẩu trái phép, lợi dụng con đường tạm nhập tái xuất, nhập lậu qua biên giới từ gia súc gia cầm đến các sản phẩm đã qua chế biến, các sản phẩm cận đát, quá đát. Tiếp đến là sản xuất chế biến thực phẩm trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo an toàn. Đáng chú ý nhất là trong quá trình chế biến và sản xuất trong nước đang nổi lên là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt, và sử dụng các chất phụ gia là chất cấm đưa vào chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Nguyên nhân chưa đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp với ngành  nông nghiệp trong xử lý chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau, quả, chè, thịt, thủy sản… Công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm đối với nông sản còn chưa thực sự được chú trọng, nhiều khi dàn trải và bị động khi vụ việc xảy ra.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nêu ý kiến: “Chúng tôi cùng phối hợp với công an và các cơ quan chức năng liên quan mời tất cả các thương lái, cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn để tuyên truyền tác hại của chất cấm đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời thông báo các chế tài xử phạt khi phát hiện các hành vi vi phạm. Sau khi tuyên truyền đã chuyển biến tích cực trên thực tế khi các hộ chăn nuôi và người dân tự nhắc nhở nhau không sử dụng chất cấm trong sản xuất của mình”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn và xử lý các vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi. Các Sở, ngành, địa phương cần có những kế hoạch hành động tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và triệt phá tận gốc những đường dây cung cấp chất cấm. Đồng thời hướng dẫn sản xuất cho những người sản xuất, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhấn mạnh: Chúng ta đã đáp ứng được về số lượng nông sản làm ra nhưng cái mà người dân mong đợi là nông sản an toàn. Tôi đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ hãy làm mọi việc để đáp ứng yêu cầu này của người dân. Nhân dân là chính con cháu của chúng ta. Chúng ta làm phải có hệ thống, thông qua giám sát thì chúng ta sẽ biết những cơ sở, vùng nào làm tốt, chưa tốt để tập trung giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm và chỉ ra cho người sản xuất, đấu tranh với những người cố tình vi phạm. Quá trình triển khai phải làm có trọng tâm trọng điểm, cụ thể từ nay đến cuối năm tập trung xử lý 2 mặt hàng thịt và rau./.