Khu vực Đông Nam bộ - vùng chăn nuôi heo lớn nhất cả nước với khoảng 2,5 triệu con, đang là điểm nóng về sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước sử dụng 3 loại chất cấm là Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamin đã trở thành phổ biến, nhất là ở các trang trại và cơ sở chăn nuôi tập trung.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tình trạng nêu trên vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận mà không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng; mức xử phạt hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ; cách kiểm tra, lấy mẫu của cơ quan chuyên môn còn chưa chính xác.

chat_cam_tytj.jpg
Các đại biểu tại Hội thảo "Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi" diễn ra tại TP HCM sáng 28/10.

Bên cạnh đó là tình trạng giết mổ lậu tràn lan, nhất là ở các thành phố lớn. Vì vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là Nhà nước phải ban hành những quy định cụ thể và nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực này. Đối với người chăn nuôi, các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để họ nhận thức được rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là việc làm vi phạm pháp luật, vừa hại người khác, vừa hại chính mình.

Các chuyên gia về lĩnh vực chăn nuôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên chọn mua những sản phẩm thịt có màu đỏ tươi, nhiều nạc và nhão vì đây là những biểu hiện của sản phẩm có sử dụng chất tạo nạc.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng ngành y tế cần quản lý, phân phối có điều kiện và có kiểm tra việc sử dụng các chất cấm để có thể sử dụng trong chăn nuôi, không được để lọt ra ngoài.

Ông Lịch cũng nhấn mạnh: “Người chăn nuôi phải nâng cao ý thức tự giác. Nếu không tự giác, chỉ vì lợi ích cá nhân thì cái lợi ích chung sẽ bị mất khi Việt Nam hội nhập TPP. Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào sản xuất thức ăn sử dụng chất cấm thì phải đóng cửa một năm, chứ không chỉ phạt hành chính như hiện nay”./.