Nhiều người đã gọi đây là một “cú đảo chiều ngoạn mục” khi cách đây chỉ hơn nửa năm, đây vẫn bị coi là một biện pháp không cần thiết hay thậm chí là “cấm kỵ” tại nhiều nước.
Chắc hẳn chưa ai quên câu chuyện của bác sĩ Henry Nikicicz, làm việc cho một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ hồi tháng 3 vừa qua. Sau hàng chục năm làm việc, ông đột nhiên nhận được thông báo đình chỉ công việc. Lý do là vị bác sĩ này bị bắt gặp khi đeo khẩu trang tại khu vực có đông người ở hành lang bệnh viện để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19. Với bệnh viện nơi ông làm, hành vi này là không được phép.
Cũng giống như bác sĩ Henry Nikicicz, rất nhiều đồng nghiệp của ông đã phải vất vả đấu tranh để được đeo khẩu trang bên ngoài phòng bệnh. Bởi tại Mỹ, hình ảnh chiếc khẩu trang gắn liền với cảm giác lo sợ về bệnh tật. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện đã khác. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi giữa tháng 7 vừa qua đã phải thừa nhận vai trò quan trọng của việc đeo khẩu trang nhằm góp phần làm giảm nhiều lần sự lây lan của virus SARS-CoV-2: “Hãy nghĩ về tinh thần yêu nước. Nó sẽ khiến bạn dễ dàng hơn khi đeo khẩu trang. Cho dù bạn thích khẩu trang hay không, thì nó cũng có tác dụng. Tôi đã quen với việc dùng khẩu trang. Bất cứ thứ gì có khả năng giúp ngăn chặn virus lây lan đều tốt. Vì vậy tôi đã đeo khẩu trang khi cần thiết.”
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, bức ảnh chụp chung của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu sau cuôc họp hai ngày tại Berlin, Đức hôm 28/8 vừa qua có ý nghĩa biểu tượng cao khi tất cả những người tham gia đều đeo khẩu trang.
Sau một thời gian đầu hoài nghi về hiệu quả của chiếc khẩu trang trong ngăn chặn phát tán và lây nhiễm virus SARS-CoV-2, chính phủ nhiều nước châu Âu gần đây đã hối thúc người dân đeo khẩu trang phòng dịch.
Tại thủ đô Paris, Pháp, đeo khẩu trang giờ đã trở thành bắt buộc ở tất cả những khu vực đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và cả ở những không gian làm việc chung. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, đa số người dân Pháp đều ủng hộ biện pháp này: "Bắt buộc đeo khẩu trang là để quan tâm và bảo vệ mọi người. Đó là điều cần thiết trong cuộc sống của chúng tôi. Tôi nghĩ hiện tại, đó là cách để mọi người dân Paris tự bảo vệ mình cũng như những người xung quanh. Giống như chúng ta phải thắt dây an toàn khi lái xe, bây giờ chúng ta phải đeo khẩu trang, nói một cách đơn giản, cũng là trách nhiệm của một công dân.”
Tương tự, tại Italy, nhà chức trách đã đưa ra yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài vào ban đêm tại một số khu vực từ ngày 17/8 và sẽ kéo dài đến ngày 7/9, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh trên cả nước, đặc biệt là trong giới trẻ.
Trong khi đó, Chính phủ Đức mới đây đã đạt được thỏa thuận với chính quyền các địa phương nhằm siết chặt các quy định liên quan đến việc đeo khẩu trang phòng dịch và không cho khán giả bóng đá đến sân vận động ít nhất cho đến cuối năm. Mức phạt được đề xuất là 50 euro nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Số ca mắc Covid-19 trên thế giới hiện đã vượt ngưỡng 25 triệu người và những tác động kinh tế, xã hội do cuộc khủng hoảng y tế này ngày càng sâu rộng. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng 2 năm, giống như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Điều này có nghĩa thế giới vẫn phải “sống chung với Covid-19” ít nhất cho đến hết năm 2021. Trong bối cảnh nhiều nước đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế, cùng với việc đẩy nhanh nỗ lực bào chế vaccine, thì việc đeo khẩu trang và việc siết chặt các quy định phòng chống dịch dường như đang trở thành một trong những lựa chọn nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ sức khỏe nền kinh tế./.