Mỹ có ý đồ chia cắt Syria
Giới ngoại giao Nga dẫn chứng rằng quân đội Mỹ vẫn đang nấn ná tại quốc gia Trung Đông này bất chấp lời hứa trước đó là sẽ kết thúc sứ mệnh quân sự tại Syria sau khi quét sạch nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ quyết duy trì quân đội tại Syria. Ảnh: Reuters |
Trong một phát biểu tại Sochi ngày 7/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định: “Mỹ đã từ bỏ cam kết của họ, cam kết với chúng ta rằng mục tiêu họ có mặt tại Syria (vốn không được chính phủ Syria đề nghị) là nhằm đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác”.
Nhắc tới cam kết duy trì số lượng có hạn binh sĩ tại Syria của Mỹ, ông Lavrov cũng cho rằng Mỹ chẳng bao giờ nói thật về kế hoạch của họ.
“Mỹ hiện quay sang nói rằng họ sẽ duy trì hiện diện quân sự tại Syria cho đến khi đảm bảo đặt nền móng vững chắc cho tiến trình chính trị tại Syria. Mà theo ý muốn của Mỹ là thay đổi chế độ tại Syria”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga chỉ ra rằng đây là những kế hoạch sẽ gây chia cắt thực sự tại Syria.
Mỹ hiện có gần 2.000 binh sĩ tại Syria. Cuối năm ngoái, Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ duy trì quân đội tại quốc gia Trung Đông này cho đủ lâu khi cần để hỗ trợ các “lực lượng đối tác” và ngăn chặn sự trở lại của khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau đó đã nhắc lại tuyên bố này.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ bị chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ trích là bất hợp pháp và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Syria.
Mỹ cũng cung cấp vũ trang và tài chính cho các nhóm phiến quân mà nước này coi là “ôn hòa” như Quân đội Syria tự do (FSA) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là lực lượng người Kurd.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, việc Mỹ ủng hộ cùng lúc nhiều phe cánh đối lập trong xã hội Syria, đặc biệt là trao vũ khí vào tay những nhóm này sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chỉ trích kế hoạch của Mỹ tại Syria
Thổ Nhĩ Kỳ hòa hảo với Nga, nhưng đối đầu Mỹ
Giới chức Nga cảnh báo rắc rối bắt đầu nảy sinh khi FSA hiện đang cùng Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh với một phần của lực lượng SDF là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Afrin, miền Bắc Syria. Hiện căng thẳng giữa Ankara và Washington cũng leo thang cùng với diễn biến chiến sự tại Afrin.
Chiến dịch “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột ở Syria. Chỉ vài ngày sau khi Ankara ồ ạt đưa quân và khí tài quân sự đánh lực lượng người Kurd tại Afrin, Washington đã cảnh báo nguy cơ đụng độ giữa hai quân đội Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria.
Trong cuộc điện đàm hôm 24/1, 4 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Nhành Ô liu”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cần tránh mọi biện pháp "có thể gây xung đột" giữa hai nước ở Syria. Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Ankara "ngưng leo thang, hạn chế hoạt động quân sự...”
Trong khi đó, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ quyết loại bỏ các phần tử khủng bố" tại Syria để bảo vệ an ninh quốc gia. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có các hoạt động trên không và trên mặt đất, tấn công vào khu vực Afrin nhằm vào YPG, bị Ankara coi như cánh tay nối dài của nhóm khủng bố Đảng Lao động người Kurd (PKK).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong tuyên bố mới nhất hôm 6/2 cho biết, quân đội nước này sẽ mở rộng chiến dịch quân sự hiện nay tại Syria, cụ thể là từ Afrin tới Manbij, nơi quân đội Mỹ hiện diện bên cạnh các tay súng YPG. Tổng thống Erdogan chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama nói dối về việc rút quân Mỹ khỏi Manbij.
Ông Erdogan cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai một sáng kiến quốc tế chống lại việc Mỹ vũ trang cho PYD và PKK.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này và Nga không hề có sự bất đồng nào đối với chiến dịch quân sự mà Ankara triển khai tại khu vực Afrin, miền Bắc Syria. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TGRT Haber, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn trao đổi và liên lạc thường xuyên về chiến dịch này.
Trong thời gian qua, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran đã phối hợp rất hiệu quả trong cuộc chiến chống IS tại Syria và đóng vai trò bảo trợ để lập vùng giảm căng thẳng.
Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh kết quả “Đại hội đối thoại dân tộc Syria” diễn ra cuối tháng 1 vừa qua tại thành phố Sochi (Nga) do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ. Chính phủ Syria đã coi đây là bước đi đầu tiên trong giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột bước sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến chiến sự leo thang và ngày càng phức tạp tại Syria. Trong đó, Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tại Idlib, Mỹ gia tăng hỗ trợ SDF chống lại các cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria tại gần Sông Euphrates và không thể không kể đến “Nhành Ô liu” tại Afrin.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng giải pháp chính trị cho Syria cần phải được đi kèm với tiến bộ trên thực địa./.
Ảnh: Đông Ghouta (Syria) hoang tàn đổ nát sau loạt không kích mới
Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch tại Syria bất chấp cảnh báo của Mỹ