Bất chấp những vụ bạo lực bùng phát trong những ngày qua tại khu vực tranh chấp Kashmir (Ấn Độ) và Pakistan vẫn đang cố gắng để ngăn chặn sự căng thẳng này không vượt quá tầm kiểm soát, làm tổn hại đến lợi ích của mối quan hệ song phương.

india-pakistan-tr1.jpg
Pakistan và Ấn Độ đang tìm cách làm hoà, hướng tới sự phát triển ổn định trong quan hệ hợp tác song phương. (Trong ảnh: Binh sĩ Ấn Độ tuần tra ở khu vực biên giới giáp Pakistan ở Suchetgarh - Reuters)

Pakistan và Ấn Độ đã kí một thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Kashmir vào năm 2003. Có nhiều vụ giao tranh xảy ra sau đó nhưng căng thẳng trong tuần qua là nghiêm trọng nhất. Hai nước đã phải triệu Đại sứ để trao công hàm phản đối và cáo buộc lẫn nhau về “hành động khiêu khích, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”.

Phía Pakistan còn đề nghị Liên Hợp Quốc điều tra các vụ vi phạm ngừng bắn, song Ấn Độ không muốn có sự can dự của bên thứ ba. Các nhà phân tích cho rằng, bạo lực có thể tác động xấu đến tiến trình hòa giải giữa hai nước được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008. Mặc dù, nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn còn, nhưng quan chức hai nước đều đang tìm kiếm các biện pháp giúp hạn chế những tác động của cuộc xung đột có thể tổn hại đến lợi ích của mối quan hệ song phương.

Chuyên gia phân tích Pakistan Najam Sethi nhận định: “Tôi nghĩ là không may khi xảy ra các vụ xung đột vừa qua. Tuy nhiên tôi không cho rằng chúng sẽ làm trệch tiến trình hòa bình song phương. Không có lựa chọn nào khác. Chúng ta nên chấp nhận những hậu quả đã xảy ra. Chúng ta có lên án cả hai phía, nhưng hai nước  phải tiếp tục tiến trình hòa bình vì 1 lí do rất đơn giản: Phải mất 65 năm để hai bên thúc đẩy tiến trình hòa giải này, mở cửa thương mại và miễn thị thực. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những bất đồng quân sự tại khu vực Kashmir không được phép cản trở những bước tiến này”.

Theo các chuyên gia phân tích, Pakistan muốn tăng cường thương mại chặt chẽ hơn với Ấn Độ nhằm giúp nước này thoát khỏi những khó khăn kinh tế. Lực lượng quân đội Pakistan cũng không muốn xảy ra bất cứ xung đột nào với Ấn Độ vào thời điểm quân đội nước này đang phải đối phó khá vất vả với các nhóm vũ trang Taliban tại Pakistan. Trong khi đó, nền kinh tế đang nổi lên của Ấn Độ cũng gặp nhiều khó khăn trong những tháng gần đây. Chính phủ đang tăng cường phát triển kinh tế, bao gồm nới lỏng các giới hạn thương mại với Pakistan kéo dài hàng chục năm qua. Ấn Độ cũng thừa hiểu những hậu quả của cuộc xung đột với Pakistan sẽ có tác động tiêu cực như thế nào đối với nền kinh tế cũng như sự ổn định của nước này.

Nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ  Mani Shankar Aiyar cho rằng: “Chắc chắn đây là trách nhiệm của chúng tôi nhằm ngăn chặn tình huống như thế này, bằng cách xây dựng mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan vững chắc hơn. Điều này chỉ có thể đạt được nếu hai bên tiếp tục tiến trình đối thoại. Tôi nghĩ, những sự cố này làm ngăn cản tiến trình đối thoại sẽ là tổn thất lớn đối với lợi ích cũng như hòa bình của người dân hai nước”.

Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi nước láng giềng Afghanistan. Pakistan rất lo ngại về sự ảnh hưởng của Ấn Độ với Afghanistan – quốc gia láng giềng vốn cũng có nhiều mâu thuẫn với Pakistan. Mối lo sợ đó gia tăng khi Ấn Độ đầu tư hàng tỉ USD tái thiết Afghanistan trong những năm gần đây. Vì vậy, mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ có thể giúp Pakistan “ thêm bạn bớt thù”.

Rõ ràng, vì lợi ích quốc gia và sự ổn định khu vực, Pakistan và Ấn Độ đang tìm cách làm hoà, hướng tới sự phát triển ổn định trong quan hệ hợp tác song phương./.