Ngày 10/12, Tổng thống Yanukovic đã có cuộc hội kiến với 3 cựu Tổng thống Ukraine nhằm tìm kiếm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang. Theo sáng kiến của cựu Tổng thống Leonid Kravchuk, “Hội nghị bàn tròn” toàn dân giữa đại diện chính phủ và phe đối lập sẽ được tổ chức trong ngày 11/12 sau khi hội nghị dự kiến diễn ra hôm qua phải hủy vì bị phe đối lập tẩy chay.
Tổng thống Yanokovic và người tiền nhiệm cựu Tổng thống Leonid Kravchuk (giữa) thảo luận về các biện pháp giải quyết khủng hoảng trong nước ngày 10/12 tại Kiev (Ảnh: AP) |
Đây là cơ hội quan trọng mà các bên cần phải nắm bắt để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay trước khi xã hội Ukraine có những chia rẽ sâu sắc hơn giữa Đông và Tây.
Nhằm khích lệ phe đối lập tham gia “Hội nghị bàn tròn” toàn dân lần này, Tổng thống Yanukovic tuyên bố sẽ kêu gọi Công tố viên trưởng xem xét trả tự do cho một số người biểu tình quá khích nhưng chưa phạm phải các tội nghiêm trọng. Đây là một trong số các yêu cầu quan trọng để phe đối lập tham gia “Hội nghị bàn tròn” toàn dân.
Bên cạnh đó, Tổng thống Yanukovic cũng cho biết ông đang gửi một phái đoàn Ukraine đến Brussels, Bỉ, để đàm phán thêm với Liên minh châu Âu, và hy vọng sẽ ký một hiệp định hợp tác chính trị với liên minh này vào tháng 3 tới.
Tổng thống Yanukovic cho biết, chính phủ của ông muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Liên minh châu Âu và Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraine “cần phải bảo vệ lợi ích quốc gia của chính mình”.
“Tôi kịch liệt phản đối việc cản trở quan hệ với Liên minh châu Âu để thúc đẩy quan hệ với Nga hay ngược lại. Chúng ta cần phải tìm ra cách đoàn kết giữa các bên và không để xảy ra các cuộc xung đột như tình trạng đóng đường ống dẫn khí ga qua Ukraine trước đây. Điều này là không thể chấp nhận được, vì thế chúng ta phải bảo vệ lợi ích của chính mình”, ông Yanokovic nêu rõ.
Một trong ba lãnh đạo phe đối lập Ukraine, ông Vitaliy Klitschko cho biết, tiến trình tham vấn giữa các bên vẫn đang diễn ra và bày tỏ tin tưởng Ukraine sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mặc dù vậy, một lãnh đạo phe đối lập khác, ông Arseniy Yatsenyuk cho biết, người biểu tình vẫn kiên định với mục tiêu thúc đẩy hội nhập mạnh mẽ hơn với Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Oleg Tyagnybok cũng cho rằng Liên minh châu Âu cần phải đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
“Chúng tôi cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị này chúng ta cần một bên thứ ba và đó nên là Liên minh châu Âu. Nếu được như vậy, chúng tôi tin rằng sớm hay muộn vấn đề cũng sẽ được giải quyết”, ông Tyagnybok nói.
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cùng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland vừa có chuyến thăm Kiev. Bà Nuland đã có cuộc gặp với các chính đảng đối lập trong khi bà Ashton tiếp xúc với cả 2 phía nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cao ủy Liên minh châu Âu cho biết: “Tôi đến đây để gặp Tổng thống và lãnh đạo phe đối lập cũng như các tổ chức xã hội của Ukraine với mục tiêu hỗ trợ Ukraine giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, để chứng minh rằng Liên minh châu Âu thật sự quan tâm đến tình hình của đất nước này”.
Bài toán cân bằng lợi ích kinh tế của Ukraine đang bị “biến tướng” thành một cuộc khủng hoảng chính trị xoáy sâu vào sự chia rẽ tiềm tàng trong xã hội Ukraine, giữa một bên là những người nói tiếng Nga ở phía Đông vốn coi nước Nga, Liên bang Xô Viết cũ, là điểm tựa vững chắc và ổn định, bên kia là những người nói tiếng Ukraine ở phần phía Tây muốn thúc đẩy hội nhập với Liên minh châu Âu.
Một cuộc thăm dò mới đây của Research & Branding Group cho biết, có đến 81% người dân ở vùng phía tây Ukraine ủng hộ hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu. Nhưng nhìn chung, 46% người Ukraine ủng hộ hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu và 36% ủng hộ việc tham gia hiệp định với Nga.
Con số không chênh lệch nhiều này cho thấy, chính sách hướng tới sự đa dạng và cân bằng giữa 2 đối trọng Nga và Liên minh châu Âu mà Tổng thống Yanukovic đang thúc đẩy là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng thực tế này cũng đặt Tổng thống Yanukovic vào tình trạng như đang “đi trên dây” bởi ông nghiêng về bên nào cũng có thể khiến Ukraine rơi xuống vực.
Vì thế, điều quan trọng đối với Tổng thống Yanukovic hiện nay là thuyết phục được những người muốn lái con tàu kinh tế Ukraine về hướng Tây rằng đất nước này có thể tìm ra một con đường riêng cho mình./.