Trong thông báo trên trang Twitter, ông Reznikov cho biết, hệ thống M270 sẽ “phối hợp tốt” với hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS. Ông Reznikov đã gửi lời cảm ơn các đối tác của Ukraine dù không nêu rõ bên nào đã cung cấp cho Ukraine hệ thống chính xác do Mỹ sản xuất này. Được biết, Anh trước đó đã cam kết chuyển giao ít nhất 3 hệ thống MLRS M270 cho Ukraine.
Hệ thống MLRS M270 do Mỹ sản xuất, thực chất là “anh em” của hệ thống HIMARS М142, trước đây từng được Washington cung cấp cho quân đội Ukraine. M270 ít cơ động hơn М142 vì được đặt trên xe bọc thép, nhưng lại có sức mạnh gấp đôi khi sở hữu 12 ống phóng tên lửa 227 mm, trong khi М142 chỉ có 6 ống phóng.
Vẫn chưa rõ liệu các hệ thống M270 mới đã được triển khai trên chiến trường hay chưa. Hồi cuối tháng 6, Kiev đã đưa hệ thống HIMARS ra tiền tuyền. Trong khi các quan chức Ukraine khẳng định hệ thống này đã được sử dụng để nhắm vào "các kho chứa vũ khí và dự trữ nhiên liệu” của quân đội Nga, thì Moscow và các lực lượng ly khai tại Donbass cáo buộc Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công các khu vực dân sự.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các lực lượng Ukraine đã sử dụng “hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp trên mọi mặt trận”. Bà cho rằng, quân đội Ukraine đã nhận được chỉ thị sử dụng loại vũ khí này "chống lại dân thường một cách không do dự", đồng thời cáo buộc Washington chia sẻ thông tin tình báo về các mục tiêu cho Ukraine.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc "bơm" vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh rằng động thái như vậy sẽ chỉ kéo dài xung đột và gây thêm thiệt hại cho người dân Ukraine chứ không thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc chiến./.