Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 4 tháng qua với nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong những ngày qua, Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể ở Donbass sau khi chiếm thành phố Lysychansk và giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Lugansk. Với thắng lợi này, các lực lượng của Moscow dường như đã đi được nửa chặng đường. Tuy nhiên, Ukraine vẫn quyết tâm kháng cự và giữ vững mục tiêu giành lại Lysychansk, đặt cược vào sự giúp đỡ và ủng hộ của phương Tây để tái kiểm soát lãnh thổ.
Có thể nói, cuộc chiến đang tới những ngã rẽ mới và các binh sỹ của cả hai bên đang nỗ lực củng cố sức mạnh, tinh thần để chuẩn bị cho những hoạt động giúp họ xoay chuyển tình thế trên chiến trường, sau những tổn thất nghiêm trọng về binh lực và vật lực.
Chuyên gia Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI) nhận định: “Đó là một cuộc chiến tranh tiêu hao. Quân đội hai bên đều đã chịu tổn thất lớn, rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức”.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tiếp theo của ông Putin sẽ là tiến đánh Donetsk để chiếm toàn vụ khu vực Donbass ở miền Đông – nơi có phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Nhưng vẫn chưa rõ, hoạt động này sẽ được thực hiện như thế nào và diễn ra khi nào.
Khi Nga triển khai lực lượng trên không, tiếp tục các cuộc không kích dữ dội trên nhiều mặt trận ở Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, lực lượng mặt đất của nước này đang tạm dừng hoạt động để “nghỉ ngơi và tái trang bị”.
Điều này có thể giúp quân đội Ukraine có thời gian chuẩn bị để bảo vệ các khu vực tại Donetsk, đặc biệt là vành đai công nghiệp chạy về phía Nam, bắt đầu từ thành phố Sloviansk. Ngoài ra, Ukraine có thể tận dụng thời cơ tiến hành các cuộc phản công ở nhiều khu vực khác, trong đó có thành phố trọng điểm Kherson ở phía Nam. Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến có thể không phải là giai đoạn cuối cùng, nhưng sẽ quyết định tương lai của cuộc xung đột, tuy vậy, giới phân tích cho rằng để xác định kết quả cuộc chiến cần phải mất một chặng đường dài.
Bài học từ Lugansk
Cuộc chiến khốc liệt ở Donbass hầu như không giống với giai đoạn đầu của cuộc xung đột, vốn chứng kiến những đòn tấn công liên tiếp của Nga nhằm vào Ukraine từ 3 hướng Bắc, Đông, Tây. Điện Kremlin đã thu hẹp ranh giới của cuộc tấn công, tập trung vào một tuyến đường quan trong đi qua Lugansk và hướng tới Donetsk – nơi phần lớn các nguồn lực của Nga được chuyển đến.
Ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) cho rằng, trong giai đoạn hai của cuộc chiến, Nga đã quay trở lại với chiến thuật cơ bản, giúp họ đạt được những bước tiến chậm rãi nhưng tương đối ổn định. Kết quả là Nga giành được những thành phố chiến lược sau các trận đánh kéo dài nhiều tuần và phơi bày những hạn chế về kho vũ khí của Ukraine.
“Họ đã huy động số lượng lớn pháo binh để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine, dù hoạt động này diễn ra một cách chậm chạp”, Max Bergmann nhận định.
“Lợi thế về vũ khí và hỏa lực của Nga đã được phát huy đáng kể”, chuyên gia Justin Bronk lưu ý. “Tất cả đội hình tác chiến điện tử, phòng không và thiết giáp của Nga tập trung vào những khu vực rất nhỏ, cho phép họ tạo ra ưu thế vượt trội so với những vị trí phòng thủ kéo dài của Ukraine. Ở giai đoạn đầu, Ukraine đã có được cú knock out, nhưng ở vòng hai, Nga đang ghi điểm”.
Tuy vậy, cuộc xung đột kéo dài suốt 4 tháng qua, đặc biệt là cuộc chiến giành quyền kiểm soát Lugansk đã gây tổn thất nghiêm trọng cho cả hai bên.
“Nga có thể phải giới hạn ở những cuộc tấn công quy mô nhỏ trong khi tìm cách tái cơ cấu lực lượng và đặt ra các điều kiện cần thiết cho một cuộc tấn công quy mô lớn trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá.
Giao tranh vẫn tiếp diễn gần biên giới Donetsk-Luhansk. Quân đội Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công hơn 40 thị trấn và làng mạc ở Donbass, song thừa nhận “Moscow đã thành công một phần trong nỗ lực tiến công mặt trận gần thành phố Bakhmut". Theo báo cáo của ISW, lực lượng mặt đất của Nga đang tạm dừng nghỉ và tốc độ giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ cũng giảm vào tuần trước sau khi họ chiếm được Luhansk. Khoảng lặng này có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các binh sỹ Nga cần phải hồi phục sức mạnh và tinh thần sau thời gian chiến đấu kéo dài, còn Ukraine đang phải chạy đua với thời gian để tiếp nhận và làm quen với trang thiết bị của phương Tây.
Nhưng chuyên gia Bergmann cho rằng: “Dù tình hình chiến sự tạm lắng, nhưng phía sau hậu trường hai bên có thể thực hiện những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm chuẩn bị cho các hoạt động quân sự trong thời gian tới. Và bên nào sử dụng quãng thời gian này hiệu quả sẽ chiếm thế thượng phong khi giao tranh nối lại”.
Những điểm nóng tiếp theo
Giới phân tích dự đoán, động thái tiếp theo của Nga sẽ là tiến theo con đường mà họ đã tạo ra qua Lugansk, tới các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Donetsk và cố gắng hạ gục hoặc bao vây quân đội Ukraine trong những nơi đó. Nhưng nếu Moscow áp dụng chiến thuật tương tự như ở Lugansk thì chắc chắn sẽ có những trận chiến đẫm máu xảy ra.
Samir Puri, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng: “Nhiều khả năng trong giai đoạn giao tranh tiếp theo, sẽ có các trận đánh then chốt tại thành phố Sloviansk và Kramatorsk, ở phía bắc Donetsk. Những nơi này có thể là Severodonestk và Mariupol tiếp theo”.
Severodonestk và Mariupol đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột trong nhiều tháng qua. Việc giành quyền kiểm soát 2 thành phố chiến lược lớn này được cho là một bước đột phá lớn với Điện Kremlin.
“Có thể họ sẽ tấn công Sloviansk”, người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Vadym Liakh cho biết. Theo quan chức này, các lực lượng Ukraine hiện đang “cầm chân” Nga tại sông Siverskyi Donets.
Xu hướng của cuộc chiến nhiều khả năng giống với những gì đã diễn ra tại các thành phố Severodonetsk và Lysychansk. Tại Sloviansk, tuyến phòng thủ của Ukraine tương đối vững chãi và vẫn chưa rõ liệu Moscow có thể sử dụng hỏa lực mạnh để đánh hạ hay không.
“Ukraine vẫn có khả năng chống lại các cuộc tấn công của Nga, nhưng họ đang thiếu bộ binh và thiết giáp. Để đẩy lùi được các lực lượng Nga, họ cần phải trải qua một cuộc cải tổ quân đội toàn diện”.
Cơn đau đầu của Nga và Ukraine
Diễn biến của giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào hỏa lực và vũ khí mà các bên sử dụng. Một số nhà phân tích suy đoán rằng, việc Nga phải sử dụng những tên lửa cũ hơn trên chiến trường chẳng hạn như KH-22, được phát triển lần đầu vào những năm 1960, cho thấy nguồn dự trữ vũ khí của nước này đang dần cạn kiệt. Theo tình báo Anh, từ tháng 5, Nga đã đưa những chiếc xe tăng T-60 có tuổi đời 50 năm ra khỏi kho dự trữ để sử dụng cho chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, Ukraine lại đối mặt với vấn đề khác. Quốc gia này đang được phương Tây chuyển giao một số lượng lớn vũ khí công nghệ cao. Sự xuất hiện của hàng loạt hệ thống chiến đấu khác nhau từ hàng chục quốc gia vừa mang lại sự cứu cánh nhưng cũng khiến Kiev đau đầu.
“Ukraine có thể đang đối mặt cơn ác mộng về hậu cần. Họ nhận được rất nhiều phiên bản vũ khí khác nhau, nhưng chúng không cùng sử dụng một loại đạn. Chưa kể có rất nhiều mối lo khác về bảo trì và phụ kiện thay thế”, chuyên gia Bronk nhận định.
Một khi vũ khí được đưa ra tiền tuyến, chúng sẽ đòi hỏi chuỗi cung ứng rất phức tạp. Hơn nữa các binh sỹ cũng cần được đào tạo thành thục cách sử dụng chúng. Trong một số trường hợp, binh sỹ buộc phải tới một quốc gia khác để tham gia các khóa huấn luyện. Thời gian gần đây, quân đội Anh đã huấn luyện cho hàng trăm binh sĩ Ukraine ở Wiltshire, miền Nam nước Anh, còn Đức cho biết họ có kế hoạch đào tạo họ cách sử dụng hệ thống phóng đa tên lửa MARS II.
“Ukriane có một thách thức lớn về mặt hậu cần. Họ phải chuyển một quân đội vốn quen với việc sử dụng vũ khí của Nga và Liên Xô sang sử dụng khí tài của NATO trong khi chiến đấu. Câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ là liệu họ có thể kết hợp sử dụng cả 2 loại vũ khí khi Nga đang nỗ lực tái thiết lực lượng hay không”./.