Ấn Độ lập kỷ lục mua dầu Nga

Dữ liệu từ Cơ quan Thương mại Ấn Độ cho biết, trong tháng 6, khối lượng dầu mỏ mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục, khoảng 950.000 thùng/ngày, chiếm gần 20% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này.

Trong khoảng thời gian này, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng mua dầu của Nga được bán với giá chiết khấu, trong khi giảm nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông.

Trong tháng 6, nhập khẩu dầu thô từ Nga tăng 15,5% so với tháng 5, trong khi nhập khẩu từ Iraq và Saudi Arbia giảm lần lượt 10,5% và 13,5%. Qua đó, kéo thị phần dầu nhập khẩu từ Trung Đông từ 59,3% xuống 56,5%.

Nga tiếp tục là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ sau Iraq, trong khi Saudi Arabia vẫn ở vị trí thứ ba trong tháng thứ hai liên tiếp.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã tạo cơ hội cho các công ty lọc dầu Ấn Độ tăng mua dầu của Nga với giá chiết khấu, trong khi nhiều quốc gia châu Âu không thể mua dầu Nga do lệnh cấm vận.

Dù mua khối lượng dầu kỷ lục từ Nga, nhưng theo Bộ Dầu mỏ Ấn Độ, nguồn hàng mua từ Nga vẫn chỉ chiếm con số nhỏ so với tổng mức tiêu thụ của Ấn Độ.

Lợi ích kinh tế

Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Ấn Độ chỉ mua 1% dầu thô của Nga. Con số này đã tăng lên 18% trong tháng 5. Không có nước nào tăng lượng mua dầu của Nga nhiều đến như vậy chỉ trong vòng vài tháng.

Bà Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Đồng USD mạnh lên và đồng rupee yếu đi khiến Ấn Độ bị thiệt khi nhập khẩu dầu. Việc mua dầu thô hoặc các sản phẩm năng lượng khác của Nga có ý nghĩa kinh tế đối với Ấn Độ.”

Dầu Ural của Nga rẻ hơn tới 36 USD so với dầu Brent chuẩn quốc tế. Chỉ tính riêng trong tháng 5, việc mua dầu giá rẻ của Nga giúp Ấn Độ tiết kiệm được 27,5 triệu USD trên hóa đơn nhập khẩu dầu mỗi ngày, hay 852 triệu USD trong cả tháng.

Theo các báo cáo, 60% khối lượng nhập khẩu dầu mỏ Nga là do các công ty nhà nước Ấn Độ mua. Như vậy, chính phủ Ấn Độ tiết kiệm được 511 triệu USD trong một tháng. Chỉ 2,5 tháng mua dầu thô giảm giá như vậy, Ấn Độ có thể bù lại khoản chi ngân sách 1,29 tỷ USD/năm cho chương trình bữa trưa học đường khổng lồ, cung cấp bữa ăn cho khoảng 120 triệu trẻ em mỗi ngày. 4 tháng tiết kiệm tương tự sẽ giúp Ấn Độ thoải mái trang trải ngân sách hàng năm 1,72 tỷ USD cho chương trình không gian.

Những khoản đầu tư của Ấn Độ vào năng lượng Nga

Lợi ích kinh tế trước mắt không phải là động lực duy nhất đối với Ấn Độ. Kể từ năm 2016 tới nay, Ấn Độ có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga. 4 công ty lớn thuộc sở hữu của nhà nước Ấn Độ gồm ONGC Videsh Ltd., Oil India Ltd., Indian Oil Corporation Ltd. và Bharat Petro Resources Ltd. – đã mua 49,9% cổ phần mỏ dầu Vankorneft của Nga ở Đông Siberia. Ngoài ra, một tập đoàn gồm Oil India Ltd., Indian Oil Corporation Ltd. và Bharat Petro Resources Ltd. đã mua 29,9% cổ phần của một mỏ dầu khác ở Bắc Cực. Tổng số vốn đầu tư của họ vào hai dự án này lên tới 4,2 tỷ USD.

Các khoản đầu tư kể trên đem lại lợi nhuận cho Ấn Độ. ONGC Videsh Ltd. đã kiếm được 537 triệu USD cổ tức từ khoản đầu tư vào Vankorneft năm 2019. Oil India Ltd. kiếm được 393 triệu USD từ các khoản đầu tư ở Nga chỉ trong năm 2020. Giờ đây, với việc khách hàng truyền thống ở châu Âu đang tìm cách từ bỏ năng lượng Nga, cổ tức trong tương lai sẽ gặp rủi ro nếu không có khách hàng mới.

“Các cổ đông, trong đó Ấn Độ là một cổ đông lớn, chắc chắn muốn thấy các dự án của Nga tiếp tục hoạt động và Moscow tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt”, bà Hari nhận định.

Theo ông Seshasayee, Ấn Độ cũng không muốn rút khỏi các khoản đầu tư vào năng lượng của Nga, bởi việc tìm kiếm những đối tác phù hợp sẵn sàng mua lại cổ phần không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Các mỏ dầu và khí đốt thường có tuổi thọ vài thập kỷ, vì vậy sẽ hợp lý hơn nếu Ấn Độ chờ đợi xung đột hoặc căng thẳng kết thúc.

Ông Seshasayee cũng nêu ví dụ về các khoản đầu tư của Chevron (trụ sở tại Mỹ) ở Venezuela bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro.

“Họ có thể đủ khả năng để theo đuổi một cuộc chơi dài hơi. Đó là những gì tôi dự đoán Ấn Độ làm ở Nga”, ông Seshasayee nhận định.

Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục mua dầu của Nga

Ông Hari Seshasayee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson, cho biết: “Nếu phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, áp lực đối với Ấn Độ trong việc tăng cường mua năng lượng Nga sẽ chỉ tăng lên”.

Khi dầu thô Brent quay trở lại gần 100 USD/thùng cùng với mối lo về lạm phát, các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng Ấn Độ sẽ càng có động lực để mua dầu thô của Nga.

Theo ông Frank Wisner, cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, hiện là cố vấn các vấn đề quốc tế tại Squire Patton Boggs, Mỹ và châu Âu không muốn Ấn Độ mua dầu của Nga, nhưng New Delhi đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Việc mua dầu với giá tốt nhất góp phần quan trọng vào sự ổn định trong nước và đem lại lợi ích kinh tế.

Là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, Ấn Độ chịu nhiều tác động khi giá dầu tăng. Hơn nữa, chính phủ của Thủ tướng Modi đang phải chịu sức ép phải kiềm chế lạm phát đối với 1,3 tỷ dân.

“Nguồn hàng sẵn có và giá cả của dầu mỏ Nga quá hấp dẫn đối với Ấn Độ”, ông Wisner nói.

Trong khi đó, theo các chuyên gia chính sách đối ngoại, Mỹ khó có thể trừng phạt Ấn Độ vì mua dầu Nga, do New Deldi đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở phía Đông.

“Mỹ ưu tiên chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Nếu không có New Delhi, sẽ không có ‘Ấn Độ’ trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phần còn lại của nhóm Bộ Tứ là các nước Thái Bình Dương”, bà Manjari Chatterjee Miller, nhà nghiên cứu cấp cao về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, nhận định.

Theo bà Miller, trừng phạt New Delhi sẽ là một bước lùi nghiêm trọng trong quan hệ đối tác song phương giữa Mỹ và Ấn Độ, thậm chí là nhóm Bộ Tứ./.