Đang giành ưu thế trong cuộc chiến tại miền Đông, quân đội Ukraine hôm qua (7/7) tiếp tục triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông, nhằm phong tỏa và buộc các tay súng đòi ly khai phải hạ vũ khí. Những lợi thế đang nghiêng về chính phủ của Tổng thống Ukraine Poroshenko, với cả những hỗ trợ bên ngoài của các nước Liên minh châu Âu.

giao_tranh_dong_ukraine_ctwk.jpgGiao tranh ở Đông Ukraine

Trong khi cảnh báo mở rộng trừng phạt Nga, Liên minh châu Âu và các nhà tài trợ quốc tế hôm nay tổ chức hội nghị cấp cao tại Brussels để thảo luận những ưu tiên và hỗ trợ cho Ukraine.

Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine hôm qua (7/7) cho biết, Tổng thống Poroshenko đã phê chuẩn kế hoạch tiến hành chiến dịch đặc biệt tại hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk. Theo đó, quân đội Ukraine đang áp dụng chiến thuật phong tỏa toàn bộ và dồn các tay súng tại hai khu vực này đến chỗ hạ vũ khí. Các lực lượng đòi liên bang hóa sau khi bị đánh bật khỏi căn cứ địa Slavyansk đã tập trung lại lực lượng tại Donetsk và Lugansk, chuẩn bị cho cuộc đối đầu quyết định.

Theo các nguồn tin nước ngoài, lực lượng pháo binh của quân đội Ukraine hôm qua đã tấn công thành phố Lugansk. Mới nhất là loạt pháo nhằm vào một chiếc xe buýt chở hành khách ở thành phố này hôm nay, làm 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Một số tòa nhà ở Lugansk cũng đã bị phá hủy trong các vụ tấn công từ đêm qua. Tại Donetsk, 2 cây cầu nằm trên các tuyến đường dẫn tới thành phố đã bị đánh sập. Các nhóm đòi ly khai đã phủ nhận trách nhiệm cho vụ việc này, trong khi quân đội Ukraine đang triển khai chiến dịch bao vây Donetsk.

Mắc kẹt trong chiến sự căng thẳng và lời kêu gọi ngừng bắn không được đáp ứng, hàng nghìn người dân Donetsk đã rời khỏi thành phố, các doanh nghiệp cũng ngừng hẳn hoạt động. Người dân Lugansk đã thu thập chữ ký cho một bức thư gửi đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, yêu cầu Liên Hợp Quốc ngăn chặn các cuộc tấn công dân thường của chính quyền Kiev. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua đã kêu gọi chính quyền Ukraine kiềm chế tối đa và áp dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ người dân tại miền Đông. Ông cũng nhấn mạnh đến việc các bên liên quan tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị và ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đây cũng là điều được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc đến trong một phát biểu tại Bỉ. “Chúng tôi thấy rõ tình hình tại miền Đông Ukraine. Lợi ích chung của chúng ta là nhanh chóng chấm dứt đổ máu. Chúng tôi tin rằng không có lý do gì để trì hoãn một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở miền Đông Ukraine”, ôn Lavrov nói. “Rất nhiều người dân vô tội đang trở thành nạn nhân của cuộc chiến này và kết cục là số người di cư tăng lên nhanh chóng và các cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy nặng nề. Tôi cho rằng, chúng ta phải gạt tất cả các tham vọng sang một bên và suy nghĩ đầu tiên đến tính mạng của người dân. Tôi tin rằng, sự hòa giải và đàm phám sẽ đưa các bên tới một thỏa thuận có thể chấp nhận được và thúc đẩy tiến trình chính trị vì lợi ích của tất cả các khu vực ở Ukraine”.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm kéo dài 45 phút về tình hình miền Đông Ukraine. Cả hai nhà lãnh đạo đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ảnh hưởng của mình để buộc lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine tiến hành đàm phán với chính phủ.

Tổng thống Pháp-Mỹ cũng kêu gọi sớm tổ chức một cuộc tiếp xúc có sự tham gia của đại diện của lực lượng biểu tình bàn về một lệnh ngừng bắn song phương.

Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thể hạ nhiệt cũng đồng nghĩa với đối đầu Đông-Tây không dễ dàng xoa dịu. Cảnh báo trừng phạt cũng được Tổng thống Pháp và Mỹ nhắc đến, nhấn mạnh châu Âu nên áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào Nga, nếu nước này không ngay lập tức có các bước đi nhằm giảm căng thẳng tại khu vực miền Đông Ukraine.

Theo một nguồn tin ngoại giao giấu tên của Liên minh châu Âu, khối này vừa thống nhất trên nguyên tắc thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Liên minh châu Âu quyết định sẽ đưa thêm nhiều cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt.

Cùng với de dọa mở rộng trừng phạt Nga, Liên minh châu Âu cũng thông báo, các nước thành viên của khối cùng Chính phủ Ukraine và các nhà tài trợ quốc tế sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao trong ngày hôm nay tại Brussels để thảo luận những ưu tiên và hỗ trợ chính dành cho Ukraine./.