Trong cuộc họp báo chiều nay (14/1), ông Ngô Diệm Hoa, Phó Cục trưởng Cục hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng các tàu Hằng Nga, nhằm hướng tới việc xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng.

63_fymn.jpg
Ông Ngô Diệm Hoa, Phó Cục trưởng Cục hàng không vũ trụ Trung Quốc. Nguồn: SCIO

Ông Ngô Diệm Hoa cho biết, chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc gồm 3 bước, cũng là 3 giai đoạn, gồm: bay xung quanh mặt trăng, đáp xuống mặt trăng và trở về trái đất. Hằng Nga 5 sau khi phóng thành công và quay về, sẽ đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn 3 là "trở về".

Tàu Hằng Nga 4 ban đầu chỉ là "phiên bản dự phòng" cho Hằng Nga 3, tuy nhiên, sau khi Hằng Nga 3 phóng thành công, Hằng Nga-4 đã thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của Giai đoạn 4 trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng. Trong giai đoạn này, Trung Quốc dự kiến hoàn thành 3 nhiệm vụ, gắn với việc phóng 3 tàu Hằng Nga 6, 7 và 8.

Về nhiệm vụ của các con tàu thám hiểm này, ông Ngô Diệm Hoa cho biết: "Tàu Hằng Nga 6 dự kiến sẽ thu thập mẫu vật ở cực Nam của Mặt Trăng và trở về, tuy nhiên sẽ hạ cánh ở vùng mặt trước hay vùng tối của Mặt Trăng, còn phải căn cứ vào kết quả lấy mẫu vật của Hằng Nga 5. Hằng Nga 7 sẽ tiến hành thăm dò tổng hợp ở cực Nam của Mặt Trăng, bao gồm thăm dò địa hình địa mạo, thành phần vật chất, môi trường không gian. Hằng Nga 8 ngoài tiến hành thí nghiệm thăm dò khoa học, còn tiến hành thí nghiệm một số công nghệ cốt lõi trên bề mặt Mặt Trăng."

Ông cũng tiết lộ, Trung Quốc sẽ thông qua tàu Hằng Nga 8 kiểm chứng một số công nghệ, nhằm tiến hành thăm dò bước đầu cho việc xây dựng chung một Căn cứ nghiên cứu khoa học hoặc Trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng giữa các nước. Đây là nội dung mà các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ, Nga và các nước Châu Âu đang thảo luận./.