Với việc phát điện hòa lưới thành công tổ máy số 5 Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, Trung Quốc khẳng định đã chính thức trở thành quốc gia có công nghệ điện hạt nhân tiên tiến trên thế giới và đang hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc điện hạt nhân trong tương lai.
Sáng sớm 27/11, tổ máy số 5 Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh ở tỉnh Phúc Kiến thuộc Tập đoàn công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc (CNNC) đã hòa lưới và phát điện thành công. Đây là lò phản ứng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ 3 “Hoa Long-1” do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu.
Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc đã chính thức bước vào hàng ngũ các quốc gia có công nghệ điện hạt nhân hiện đại trên thế giới, như Mỹ, Pháp, đồng thời được đánh giá là mang ý nghĩa quan trọng để nước này hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc điện hạt nhân vào năm 2030 và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân này ra nước ngoài.
Ông Triệu Hạo, Tổng giám đốc CNNC nói: "Xuất khẩu một tổ máy 'Hoa Long 1' tương đương giá trị xuất khẩu 300.000 chiếc ô tô con, có thể tạo ra khoảng 150.000 việc làm. Trong suốt quá trình vận hành, nó có thể tạo ra giá trị tương đương 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15 tỷ USD)”.
Được biết, hiện CNNC đang xây dựng 6 tổ máy phát điện hạt nhân "Hoa Long 1" cả ở trong và ngoài nước. Đây là loại lò phản ứng có vòng đời vận hành 60 năm, công suất 1150 MW và dựa một phần vào công nghệ Pháp. Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh là công trình đầu tiên ứng dụng công nghệ này.
Việc thi công hai lò phản ứng số 5 và 6 của nhà máy trên bắt đầu từ năm 2015 và lò số 5 đã được đổ nhiên liệu hạt nhân từ đầu tháng 9. Cơ sở này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021.
Theo dự báo của công ty phân tích GlobalData, Trung Quốc sẽ vượt Pháp trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân thứ hai thế giới vào năm 2022 và chiếm vị trí số 1 vào năm 2026 sau khi vượt qua Mỹ./.