Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết giảm căng thẳng tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) trong cuộc họp cấp cao hôm 24/6, nhưng cả hai nước vẫn âm thầm điều động hàng nghìn binh sĩ và phương tiện hạng nặng tới khu vực biên giới.
Động thái tăng cường sức mạnh quân sự này khiến dư luận lo ngại các cuộc đụng độ giữa hai bên có thể bùng phát bất cứ lúc nào với quy mô lớn hơn.
Theo hãng thông tấn PTI của Ấn Độ, Trung Quốc đã điều động một lượng lớn binh sĩ tới Pangong Tso và thung lũng Galwan. Bên cạnh binh sĩ, Trung Quốc còn triển khai thêm trực thăng tấn công và phương tiện bóc thép tới khu vực.
Trong khi đó, dù không xác nhận thông tin này, nhưng người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự Tây Tạng thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gần đây đã tổ chức cuộc tập trận tại khu vực có độ cao lớn. Ông Ngô Khiêm nhấn mạnh, cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch huấn luyện hàng năm và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Trong hai tuần qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tăng cường lực lượng trong khu vực cách đồn của quân đội Ấn Độ tại Depsang 21km. Hiện có khoảng 10.000 binh sĩ Trung Quốc và các phương tiện hạng nặng đã có mặt tại Depsang.
Về phần Ấn Độ, lực lượng bảo vệ biên giới (ITBP) nước này đã bắt đầu triển khai 40 đại đội mới tới nhiều địa điểm dọc theo đường Đường Kiểm soát Thực tế nhằm thực hiện các cuộc tuần tra để phát hiện những động thái bất thường từ binh lính Trung Quốc.
Nhiều khí tài cơ giới như máy bay không người lái, xe quân sự hoạt động trên mọi địa hình, xe trượt tuyết và xe tải đã được bổ sung. Khoảng 4.000 binh sĩ được cử đi chi viện cho sứ mệnh biên giới. Cựu Đại úy Lục quân Ấn Độ Tashi Chhepal nhận định, việc điều động lực lượng lần này chưa từng có tiền lệ.
Nhưng động thái của hai bên diễn ra trong bối cảnh hôm 24/6, quan chức ngoại giao cấp cao Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau thông qua hội đàm video và nhất trí “thực hiện những cam kết giảm căng thẳng mà chỉ huy hai nước đạt được”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết: "Ấn Độ đã cam kết sẽ không đi qua Thung lũng Galwan để tuần tra và xây dựng. Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc họp cấp chỉ huy khu vực để thảo luận về việc rút các binh sĩ tại các địa điểm khác nhau”.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ cùng phát đi tín hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn triển khai những biện pháp phòng bị tại khu vực biên giới cho thấy thực tế, căng thẳng giữa hai nước không thể giải quyết một sớm một chiều.
Trong nhiều năm qua, đường biên giới Trung-Ấn trải dài hơn 4.000km vẫn luôn chứng kiến sự đối đầu âm ỉ và nhiều lần bùng phát xung đột giữa hai nước. Nhưng cuộc đụng độ ngày 15/6 tại thung lũng Galwan là cuộc chạm trán đầu tiên có hậu quả thương vong nặng nề. Phía Ấn Độ tuyên bố 20 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc vẫn chưa xác nhận số thương vong.
Với việc cả Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục duy trì số lượng lớn binh sĩ tại khu vực, các nhà phân tích nhận định, chỉ cần một va chạm nhỏ giữa hai bên, rất có thể bùng phát xung đột với quy mô lớn hơn hôm 15/6./.