Trong khi đó Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng vệ tinh Triều Tiên hoạt động bình thường.

Mạng tin Yomiuri (Nhật Bản) ngày 12/12 dẫn lời quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ cho rằng dường như “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hoàn toàn mất khả năng kiểm soát” đối với vệ tinh nhân tạo mà Triều Tiên vừa đưa vào quỹ đạo trong vụ phóng tên lửa đẩy sáng cùng ngày.
Theo báo trên, kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn lời quan chức này cho biết không có bằng chứng cho thấy vệ tinh của Triều Tiên đã phát đi những tín hiệu cần thiết. 
 
Theo vị quan chức này, vật thể được đưa vào quỹ đạo là vệ tinh thông tin đang bay quanh trục Nam Bắc của Trái Đất nhưng chưa thể khẳng định vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo ổn định hay chưa. Nếu theo nguyên tắc thông thường của các cuộc phóng vệ tinh, sau khi vệ tinh đi vào quỹ đạo thì trung tâm điều khiển mặt đất sẽ phát tín hiệu để vệ tinh mở tấm pin năng lượng mặt trời, song hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên bước vào giai đoạn đó. 
trieu%20tien%20trung%20tam%20dieu%20khien.jpg
Các nhà khoa học Triều Tiên theo dõi vụ phóng vệ tinh ngày 12/12 (ảnh: KCNA)

Cũng tại buổi phỏng vấn trên kênh CNN ngày 12/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta vẫn chưa khẳng định chắc chắn vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã thành công hay không.

Hàn Quốc xác nhận khác với Mỹ

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 13/12 xác nhận vệ tinh được Triều Tiên đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tầm xa đã hoạt động bình thường, sau khi phía Bình Nhưỡng đã thông báo về thành công của kế hoạch này.
Vệ tinh được đưa lên không gian bằng tên lửa đẩy Unha-3 ngày 12/12 đã “hoạt động bình thường,” người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết.
“Vẫn chưa rõ vệ tinh này sẽ làm nhiệm vụ gì. Bình thường thì mất 2 tuần để đánh giá vệ tinh có thành công hay không. Vào thời điểm này, nó vẫn đang hoạt động bình thường,” ông Kim nói.
Triều Tiên ngày 12/12 đã tuyên bố việc phóng vệ tinh của họ là một đột phá khoa học, với mục đích đưa vệ tinh lên quỹ đạo nhằm quan sát trái đất.
Nhiều nước trên thế giới cho rằng chủ đích của Triều Tiên là thử tên lửa đạn đạo, việc làm vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân vào các năm 2006 và 2009.
Trong khi đó, nhiệm vụ quan sát không gian mà Triều Tiên thông báo lại khá mù mờ.
Mối quan ngại chính là việc tên lửa mang theo một vật thể có trọng tải đã diễn ra thành công, và đó là một bước tiến trong chương trình tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Theo Yonhap, phân tích của Viện nghiên cứu Không gian Hàn Quốc cho thấy, vệ tinh đang di chuyển ở khoảng cách 494 - 588 km so với Trái đất, rất gần với số liệu mà miền Bắc đưa ra.
Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chính thức lên án vụ phóng này, đồng thời cảnh báo về những hành động mà Mỹ cho rằng “mang tính khiêu khích”./.