Phó Thủ tướng Syria Jamil ngày 17/10 tuyên bố, Hội nghị quốc tế thứ 2 về Syria dự kiến sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ) vào cuối tháng 11 tới. Nếu có thể diễn ra theo như kế hoạch, Hội nghị Geneva 2 được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá nhằm giải quyết xung đột tại quốc gia Trung Đông, sau sự thất bại của Hội nghị hòa bình đầu tiên vào năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, các bên tại Syria vẫn chưa thực sự thể hiện thái độ sẵn sàng và thiện chí để ngồi vào bàn đàm phán Geneva 2.

quan-doi-syria.jpg
Lực lượng quân đội Chính phủ Syria đánh chiếm thành phố chiến lược al-Bweida, phía Nam Damascus (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV)

Phát biểu trong chuyến thăm Nga ngày 17/10, Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil cho biết, Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria sẽ diễn ra ngày 23 và 24/11 tại thành phố Geneva (Thụy Sỹ), đồng thời nhấn mạnh, Syria đang tiến gần hơn bao giờ hết tới mục tiêu tổ chức Hội nghị hòa bình quan trọng này.

Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao Nga và Liên Hợp Quốc đều cho biết, thời gian diễn ra hội nghị sẽ do Tổng Thư ký Ban Ki-moon quyết định. Trước đó, Mỹ và Nga dự định tổ chức Hội nghị Geneva 2 vào tháng 5 vừa qua, nhưng bị trì hoãn vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề tham gia của các lực lượng đối lập tại Syria.

Hôm 8/10 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã nhất trí các biện pháp đảm bảo việc cùng tham gia hội nghị Geneva 2 của cả đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập.

Mặc dù các nỗ lực tổ chức Hội nghị hòa bình vẫn tiếp tục được thúc đẩy, song các bên tại Syria vẫn chưa thể hiện thái độ sẵn sàng và thiện chí để ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva. Tổng thống al-Assad trước đó đã yêu cầu phe nổi dậy, những người mà ông cho là "những kẻ khủng bố", cần phải giải trừ vũ trang trước khi tiến hành đàm phán đồng thời bác bỏ bất kỳ yêu cầu nào từ phe đối lập muốn ông từ chức như một điều kiện của các cuộc đàm phán hòa bình.

“Yếu tố đầu tiên cần thiết để đảm bảo sự thành công của Hội nghị Geneva là chấm dứt bất kỳ hành động khủng bố nào tại Syria và ngăn chặn sự xâm nhập của các thành phần khủng bố từ nước ngoài, cũng như ngừng cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố. Nếu như chúng ta thất bại trong vấn đề này thì toàn bộ quá trình chính trị sẽ trở thành vô nghĩa”, ông Assad nêu rõ.

Trong khi đó, Hội đồng dân tộc Syria - nhóm đối lập chính tại nước này - cũng tuyên bố sẽ không tham dự bất kỳ cuộc đàm phán nào tại Geneva cho đến khi các điều kiện mà phe này đưa ra được đáp ứng. Lãnh đạo Hội đồng dân tộc Syria Ahmed Jarba nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tuyên bố rằng, chúng tôi bác bỏ việc tham gia Hội nghị Giơnevơ . Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể chấp nhận tham gia hội nghị với một số điều kiện nhằm đảm bảo sự thành công của Hội nghị và ngăn chặn việc chính quyền Syria "câu giờ" (kéo dài thời gian)”.

Hội nghị Geneva 2 được Mỹ và Nga đề xuất nhằm thúc đẩy chính quyền và phe đối lập Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, đã kéo dài từ đầu năm 2011 tới nay. Nó cũng là sự tiếp nối một hội nghị đã được tổ chức ở tại địa điểm này hồi năm trước, với kết quả là một bản lộ trình hòa bình cho Syria, nhưng lại chưa từng được áp dụng vào thực tế.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu như các bên tại Syria vẫn tiếp tục không chịu nhượng bộ lẫn nhau, thì cộng đồng quốc tế sẽ mất niềm tin vào triển vọng thành công của Hội nghị này, thậm chí ngay cả trước khi nó được khởi động./.