Việc quân đội Mỹ sử dụng uranium nghèo ở Iraq được cho là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu và dị tật bẩm sinh ở thành phố Najaf.

Một bác sĩ ở địa phương cho biết, ung thư giờ đây còn phổ biến hơn cả bệnh cúm, điều này khiến cho dân chúng hoang mang lo sợ.

Thành phố Najaf là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến của Mỹ ở Iraq hồi năm 2003.

uranium-ngheo.jpg
Vòng đạn 25mm chứa uranium nghèo (Ảnh: AFP)

Một cuộc điều tra của phóng viên RT cho thấy, các trường hợp bị mắc bệnh ung thư, trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh ở thành phố này và các vùng lân cận đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Tiến sĩ Sundus Nsaif cho biết, đã có “sự gia tăng đáng kể” các trường hợp bị ung thư và dị tật bẩm sinh kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh ở Iraq năm 2003.

Bà Sundus Nsaif nói: “Sau khi cuộc chiến nổ ra ở Iraq, tỷ lệ mắc bệnh ung thư, bệnh bạch cầu và dị tật bẩm sinh gia tăng đáng kể ở Najaf. Các khu vực bị tấn công trực tiếp chứng kiến sự gia tăng bệnh tật lớn hơn các vùng lân cận”.

Bà Nsaif khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các loại vũ khí bất hợp pháp mà người Mỹ sử dụng chính là thủ phạm gây ra bệnh tật cho người dân. Khi bạn ghé thăm bệnh viện ở địa phương bạn có thể thấy rằng ung thư còn phổ biến hơn cả bệnh cúm”.

Leila Jabar một người mẹ của ba đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh nói: “Cuộc chiến chưa kết thúc. Người Mỹ đã ra đi, nhưng chúng tôi vẫn đang phải gánh chịu hậu quả”.

Jabar cho biết, hai đứa con trước của cô đã chết sau khi sinh trong khi đứa con trai Ahmed 8 tháng tuổi hiện đang bị bệnh rối loạn thần kinh và các bác sĩ cho rằng đứa bé khó có thể sống qua được sinh nhật đầu tiên của nó.

Tiến sĩ Chris Busby, người đã có nhiều năm nghiên cứu ảnh hưởng của uranium nghèo (DU) thì khẳng định lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu là nguồn duy nhất có thể phát tán uranium ở Iraq.

Ông Busby nói: “Chúng tôi đã đến Fallujah để phân tích mẫu tóc của cha mẹ những em bé bị di tật bẩm sinh và tìm thấy chất độc có thể là genotoxic, loại độc tố gây dị tật bẩm sinh. Uranium cũng được tìm thấy trong cơ thể của các bà mẹ có con bị dị tật”.

Kể từ năm 2009, các phương tiện truyền thông đã công bố những báo cáo cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở thành phố Fallujah tăng đột biến. Nhiều thông tin cho rằng, đạn dược được Mỹ sử dụng trong chiến dịch "Phantom Fury” tại khu vực này có thể đã chứa DU.

Theo một báo cáo được chính phủ Hà Lan tài trợ, có ít nhất 440.000 kg DU đã được sử dụng ở Iraq. Sau khi được sử dụng, DU có thể làm ô nhiễm bầu không khí, đất, bám vào các tòa nhà và xe cộ.

Báo cáo này cũng cho biết, hậu quả từ việc người dân tiếp xúc với DU là rõ ràng nhưng Mỹ đã từ chối cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc sử dụng DU để giúp đỡ chính quyền Iraq khắc phục hậu quả. Điều này càng làm gia tăng nghi ngờ đối với tính hợp pháp của việc sử dụng DU trong cuộc chiến ở Iraq.

Bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn của DU về sức khỏe thể chất, sự hiện diện của vũ khí có DU tại Iraq có thể dẫn đến sự sợ hãi và lo lắng, gây ra những tác động tâm lý xã hội khôn lường.

Một báo cáo khác được chính phủ Na Uy tài trợ cũng khẳng định, DU đã được sử dụng khi tấn công vào các mục tiêu dân sự trong các khu vực dân cư ở Iraq năm 2003. Theo đó, trong một cuộc càn quét ở Najaf, một xe bọc thép đã bắn 305 viên đạn DU.

Tiến sĩ Busby giải thích: “Uranium có thể gây ra những khiếm khuyết về mặt di truyền và do đó nó cũng gây ra ung thư. DU được biết đến vì khả năng xuyên phá những bức tường và xe tăng, nhưng một trong những ‘tác dụng phụ’ của nó là bay hơi tạo ra bụi trong không khí”.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, quân đội Mỹ và Anh đã sử dụng 1.100- 2.200 tấn đạn xuyên giáp DU trong cuộc tấn công ở Iraq chỉ trong tháng Ba và tháng Tư năm 2003, vượt xa con số 375 tấn được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Ở các thành phố như Basra và Fallujah, nơi các lực lượng Mỹ và Anh đã sử dụng các loại vũ khí hạng nặng khi bắt đầu cuộc chiến, người ta ước tính rằng hơn một nửa số trẻ sơ sinh được sinh ra sau khi bắt đầu chiến tranh bị dị tật tim.

Theo một nghiên cứu, số lượng trẻ em bị dị tật bẩm sinh tại bệnh viện phụ sản Basra trong khoảng thời gian 10/1994 – 10/1995 là 1,37/ 1000 trẻ. Đến năm 2003 con số này là 23/1000 trẻ. Như vậy chỉ chưa đầy một thập kỷ, tỷ lệ các ca dị tật bẩm sinh đã tăng lên gấp 17 lần.

Cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực và lâu dài của loại vũ khí này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Iraq đã dự kiến sẽ công bố báo cáo về vấn đề này trong tương lai gần, nhưng cho đến nay vì nhiều lý do nó vẫn bị trì hoãn.

Theo WHO, báo cáo của tổ chức này sẽ không đi sâu vào mối liên hệ giữa tỷ lệ dị tật bẩm sinh và việc sử dụng vũ khí DU trong cuộc chiến tại Iraq.

Trong khi đó người dân ở Najaf và các thành phố khác, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của vũ khí DU vẫn đang tích cực đấu tranh để được cung cấp các biện pháp hỗ trợ y tế cần thiết cho những đứa trẻ bị ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh./.