Ngày 1/8, phát biểu gửi tới Hội nghị lần thứ 10 nhằm rà soát Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, không bao giờ được phép xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo Tổng thống Putin “không có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ được phép nổ ra”. Nga ủng hộ an ninh bình đẳng và không chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.
Tổng thống Nga cho rằng, tất cả các quốc gia tuân thủ các yêu cầu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân “phải có quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân hòa bình mà không cần thêm bất kỳ điều kiện nào”. Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với các đối tác.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, với tư cách là một quốc gia thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Nga “nhất quán tuân theo tinh thần và văn bản của Hiệp ước”. Các nghĩa vụ của Nga theo các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế vũ khí liên quan cũng đã được thực hiện đầy đủ.
Tổng thống Putin đánh giá rằng, hơn nửa thế kỷ tồn tại, Hiệp ước đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống quốc tế về an ninh, ổn định chiến lược và các nghĩa vụ do Hiệp ước quy định đáp ứng đầy đủ lợi ích của cả các nước hạt nhân và phi hạt nhân.
Tổng thống Nga Putin kết luận rằng, Nga hy vọng hội nghị sẽ tái khẳng định sự sẵn sàng của các nước trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới.
Trước đó, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã khẳng định, ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân là ưu tiên tuyệt đối của Nga.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực vào ngày 5/3/1970 và Hội nghị rà soát Hiệp ước được tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 1975. Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 1-26/8 tại New York, Mỹ.
Dư luận hy vọng rằng, các bên liên quan sẽ tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, các cường quốc hạt nhân luôn kiềm chế, không có những tính toán sai lầm, để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân./.