Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/2 đã nhóm họp để ủng hộ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và kỷ niệm 50 năm ngày Hiệp ước có hiệu lực.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều bảy tỏ quyết tâm thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp ước này.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. |
Các nước thành viên HĐBA nhấn mạnh Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tiếp tục là nền tảng cho chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như việc theo đuổi giải giáp hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình.
Các thành viên HĐBA cũng bảy tỏ quyết tâm thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp ước. Các nước này cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp ước trong việc duy trì hòa bình quốc tế, an ninh và ổn định cũng như mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Các thành viên HĐBA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố Hiệp ước trong bối cảnh các thách thức địa chính trị quốc tế hiện nay, đồng thời kêu gọi các nước tham gia Hiệp ước cùng hợp tác để đạt được tiến triển trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải giáp hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc tuân thủ Hiệp ước một cách nghiêm túc và cân bằng dựa trên ba trụ cột: Không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải giáp hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh 5 ưu tiên nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân bao gồm: Theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân; Thực hiện các nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước NPT và các nghị quyết liên quan của HĐBA; Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần thể hiện nỗ lực giải giáp hạt nhân; Các khu vực không có vũ khí hạt nhân cần được củng cố thông qua việc thực hiện hiệu quả các hiệp ước liên quan; Tiếp tục đối thoại và đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề khó bao gồm các vấn đề liên quan tới Đông Bắc Á và Trung Đông./.