Thông tin từ Nhà Trắng cho hay, ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Kevin Rudd để bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông đã có cuộc thảo luận với các quan chức Israel để bàn về vấn đề tương tự.

Trong một tuyên bố với báo giới, Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm “hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc gần đây liên quan đến việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường gần Damascus hôm 21/8”. Hai nhà lãnh đạo cũng “thảo luận về phản ứng của cộng đồng quốc tế” với vấn đề Syria.

ttobama1.jpg
Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: Reuters)

Nhà Trắng cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice đã có cuộc gặp với phái đoàn của Israel do ông Yaakov Amidror, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Israel dẫn đầu. Các cuộc họp là một phần của một loạt các hoạt động tham vấn song phương cấp cao thường xuyên giữa 2 nước về vấn đề Iran, Ai Cập, Syria và các vấn đề an ninh khu vực khác.

Hôm 26/8, trong một tuyên bố cứng rắn về vấn đề Syria, các quan chức chính quyền Obama cho biết, không thể phủ nhận việc vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc chiến và Mỹ nghiêng về khả năng chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trong đó có cả phụ nữ và trẻ em hôm 21/8.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney trả lời các phóng viên cho biết: “Tổng thống cùng các cơ quan liên quan đang đánh giá các phương án để phản ứng với hành vi vi phạm luật pháp quốc tế - sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.”

Ông Carney cho biết, phương án sử dụng biện pháp quân sự là một trong những lựa chọn đang được xem xét.

Theo giới phân tích, ông Obama và các quan chức Mỹ đang nỗ lực để giành sự ủng hộ của quốc tế trước khi có bất cứ một hành động cụ thể và chính quyền Mỹ đã bắt đầu một loạt các cuộc tham vấn với các đồng minh. Cuối tuần qua, Tổng thống Obama cũng đã có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Australia vốn đồng minh thân cận của Mỹ, quốc gia này sẽ là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 9 tới. Mới đây, Australia cũng đã có những tuyên bố khá cứng rắn về vấn đề này.

Trong một bài phát biểu tại Sydney, ông Rudd nói: “Tôi không tin rằng thế giới có thể nhắm mắt làm ngơ với việc sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường làm gần 300 người, hoặc có thể nhiều hơn số đó thiệt mạng và khoảng 3.600 người nhập viện”.

Ông Rudd cho biết, nếu không có những hành động cụ thể thì thế giới sẽ hiểu rằng “tất cả các chế độ chuyên chế trên thế giới có ý định sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai” sẽ không bị trừng phạt./.