Theo các số liệu thống kê, có thể ít nhất 50 người đã thiệt mạng vì bão và hơn 1 triệu người phải sơ tán do nhà cửa bị ngập trong nước lũ.

tong_thong_trump_qvqo.jpg
Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: imgflip.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/9 tuyên bố một ngày cầu nguyện quốc gia vào ngày chủ nhật (3/9) để tưởng niệm các nạn nhân của bão Harvey.

Cuối ngày 1/9 lại xuất hiện thêm một đám cháy ở nhà máy hóa chất Arkema, do ảnh hưởng từ bão Harvey. Trước đó một ngày, 2 vụ nổ nhỏ hơn cũng xảy ra ngay tại nhà máy này.

Tập đoàn Arkema cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm những vụ nổ khác do các vật liệu và các sản phẩm hóa học vẫn còn được bảo quản tại nhiều địa điểm khác nhau bên trong khuôn viên nhà máy đang ngập chìm trong nước.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý khẩn cấp bang Texas, gần 180.000 ngôi nhà trên toàn tiểu bang bị ảnh hưởng, phá hủy hoặc hư hại do bão Harvey.

Ông Trump phát biểu: “Tất cả trái tim người Mỹ đều đang hướng về người dân Texas và Louisiana. Chúng tôi cùng chia sẻ, cùng cầu nguyện và cùng đấu tranh với những khó khăn. Tất cả chúng ta đều biết rằng một con đường dài và khó khăn đang ở phía trước song chúng ta đều sẵn sàng để những người hàng xóm của mình có thể trở lại nhà. Cùng nhau sát cánh, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Không thể phủ nhận là Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi kịp thời nhằm cứu trợ những khu vực chịu ảnh hưởng của bão, chia sẻ và động viên người bị nạn cũng như các lực lượng cứu trợ. Bằng chứng là đã giảm được số người thiệt mạng do bão, thấp hơn nhiều so với cơn bão Katrina năm 2005.

Tuy nhiên, không chỉ gây những hậu quả lâu dài đối với bang Texas nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, siêu bão Harvey còn đang cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với con người. Theo Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, ông Robert Glasser, những thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra cho thấy, một quốc gia dù có mức thu nhập cao, nhưng nếu có các công trình ven biển, đều có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của các cơn bão nhiệt đới. Điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với con người.

Chính vì thế, nhiều người kỳ vọng, cơn bão Harvey sẽ là một sự kiện có thể khiến Tổng thống xem xét lại quyết định của mình rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 hay tăng thêm ngân sách dành cơ quan đặc trách khắc phục thiên tai và các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn.     

Ngày 4/8, chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi và có thể đàm phán lại Hiệp định khí hậu Pari như đúng cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Song mặt khác, theo các nhà phân tích, đàm phán lại cũng đồng nghĩa với việc về một mặt nào đó, Nhà Trắng hiểu được những hạn chế của mình khi phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đã được cựu Tổng thống Obama ký phê chuẩn. Có nghĩa là Tổng thống Donald Trump chỉ có thể khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định sau thời hạn 3 năm kể từ ngày văn bản này có hiệu lực. Nói một cách khác, ông không thể rút Mỹ khỏi Hiệp đinh Paris trước tháng 11/2019./.