Ngày 15/1, Tòa án tối cao Pakistan ra lệnh bắt giữ khẩn cấp trong vòng 24 giờ đối với Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf và 16 quan chức cấp cao đương chức hoặc đã chuyển giao quyền lực do những cáo buộc liên quan đến tham nhũng trong các dự án điện năng.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là sẽ diễn ra bầu cử tại quốc gia Nam Á này.

 

thu%20tuong%20pakistan%20ashraf.jpg
Thủ tướng Pakistan Ashraf (ảnh: AFP)

Hiện Thủ tướng Ashraf vẫn phủ nhận cáo buộc ông đã nhận tiền lại quả trong các dự án xây dựng nhà máy điện giai đoạn từ năm 2008-2011, khi ông làm Bộ trưởng Bộ Điện nước. Thời gian qua, người dân Pakistan rất bất mãn về khủng hoảng điện năng.

Ngay trước quyết định bất ngờ của Tòa án tối cao Pakistan, giáo sĩ Muhammad Tahir ul Qadri đã lãnh đạo hàng ngàn người ra biểu tình trước tòa nhà quốc hội nước này đòi chính phủ phải từ chức. Ông này thậm chí còn kêu gọi người biểu tình tiếp tục ở lại trên đường phố đến khi nàocả chính quyền trung ương và địa phương giải tán.

Người biểu tình tố cáo chính phủ tham nhũng và thờ ơ trước đời sống nhân dân.

Giáo sĩ Tahir-ul-Qadri, trở về Pakistan từ Canada vào năm 2011, đã trở thành một nhân vật đầy ảnh hưởng khi đưa ra các cáo buộc tham nhũng đối với quan chức chính phủ.

Nhiều người cho rằng giáo sĩ này là nhà cải cách, tuy nhiên giới quan sát lại e ngại, ông ta chẳng qua chỉ là con rối cho quân đội nước này, vốn xưa nay đứng đằng sau nhiều vụ đảo chính. Cụ thể, nhiều khả năng, quân đội muốn trì hoãn cuộc tổng bầu cử dự kiến vào đầu năm 2013 và muốn thông qua ông Qadri loại bỏ các đối thủ.

 

Những người biểu tình phản đối tham nhũng và ủng hộ giáo sĩ Qadri (ảnh: Reuters)

Những lo ngại này là có thể hiểu được khi trước đám đông tại Islamabad hôm 15/1, ông Qadri lên tiếng ngợi ca Tòa án tối cao và quân đội, đồng thời chỉ trích các chính trị gia là những tên trộm.

Tuy nhiên,  giới phân tích cho rằng ít khả năng ông Ashraf  bị buộc phải từ chức dù bị Tòa án tối cao phát lệnh bắt giữ.

Cố vấn của Thủ tướng Pakistan, Fawad Chaudhry, cũng cho biết việc cố gắng bắt giữ Thủ tướng là vi hiến bởi ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi đang tại vị.

Ông Chaudhry coi “đây như một cuộc đảo chính của tòa án và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm chệch hướng nền dân chủ”, và “30.000 người biểu tình không được phép biến cả đất nước 180 triệu dân thành con tin”.

Truyền thông phương Tây cho hay, Tòa án tối cao Pakistan đã nhiều lần đối đầu với chính phủ trong năm 2011./.