Phe đối lập Syria vừa đốt phá 3 giếng dầu tại tỉnh Deir al-Zor (miền Đông nước này), gây thiệt hại lớn về kinh tế vì mỗi ngày những cơ sở này khai thác gần 5.000 thùng dầu và 52.000 mét khối khí đốt.

Theo hãng thông tấn SANA, Tập đoàn Xăng dầu Furat của Syria hiện đang nỗ lực dập tắt 3 đám cháy. Tới nay, đã có tổng cộng có 9 giếng dầu bị phe đối lập đốt phá. Chính phủ Syria buộc tội phe đối lập cố tình đốt phá nhằm gây khó khăn về tài chính cho chính phủ. Phần lớn các mỏ dầu ở miền Đông rơi vào tay phiến quân, khiến chính phủ Syria ngày càng khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. 

Trước tình trạng gia tăng căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập Syria, nhiều nước trong khu vực đã kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp chính trị, thay vì sử dụng biện pháp quân sự. Thứ trưởng ngoại giao Iran Amir-Abdollahian phụ trách các vấn đề Arab và châu Phi cho rằng, Iran, Lebanon, Nga, Ai Cập và nhiều nước muốn chứng kiến một giải pháp chính trị để ngăn chặn bạo lực tại Syria.

Tại cuộc họp báo hôm 31/3, ông Amir-Abdollahian nhấn mạnh Ai Cập và Iran đồng quan điểm trong vấn đề Syria: “Ai Cập và Iran có chung một quan điểm cơ bản. Đó là tìm kiếm giải pháp cho Syria, nhấn mạnh rằng, không thể thông qua biện pháp quân sự. Một trong những yếu tố quan trọng để chấm dứt bạo lực tại Syria là kiểm soát biên giới và ngăn chặn vũ khí tuồn vào Syria”.

syria%20roi%20ren.jpg
Nội chiến Syria (ảnh: PressTV)

Trong khi đó, bên cạnh việc hối thúc cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, các nước phương Tây và Arab tiếp tục hỗ trợ về ngoại giao cho phe đối lập. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì Tayyip Erdogan hôm 31/3, hoan nghênh nỗ lực của phe đối lập Syria trong việc thành lập chính phủ chuyển tiếp. Sau khi được trao tư cách thành viên tại Liên đoàn Arab, phe đối lập Syria có một bước đi nữa là thành lập cơ quan đại diện đầu tiên tại Qatar, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới.

Người đứng đầu phe đối lập phụ trách quân sự Salim Idris cũng lên kế hoạch đi thăm các nước Arab nhằm kêu gọi viện trợ quân sự cho phe đối lập.

Những diễn biến hiện nay cho thấy, cuộc nội chiến Syria vẫn rơi vào tình trạng bế tắc. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Assad đang nỗ lực tiến hành đối thoại dân tộc để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, nhưng sự can thiệp từ các nước phương Tây đang đẩy Syria vào tình trạng ngày càng rối ren. Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối việc Liên đoàn Arab trao cho phe nổi dậy Syria chiếc ghế thành viên, và "bật đèn xanh" cho lực lượng này đòi sở hữu chiếc ghế đại diện Syria tại Liên Hợp Quốc./.