Đáng lẽ ra Quốc hội này đã kết thúc nhiệm kỳ hôm kia (6/2), nhưng trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này vẫn chia rẽ sâu sắc về tương lai của chính mình, các nghị sỹ Quốc hội Libya đã gia hạn nhiệm kỳ của họ để cho phép một ủy ban đặc biệt có thời gian soạn thảo Hiến pháp mới, được cho sẽ là bước đi then chốt trong quá trình chuyển giao chính trị tại đây.

bao%20luc%20o%20libya.jpg
Một cảnh bạo lực ở Libya hậu Gaddafi (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, nhiều người Libya cho rằng Quốc hội không đạt được tiến bộ nào để giải quyết bế tắc chính trị giữa Liên minh lực lượng quốc gia (NFA) theo đường lối dân chủ và Đảng Công lý và xây dựng (SCP), một nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo tại Libya.

Chính vì thế đã có nhiều người Libya tập trung tại quảng trường Martyrs ở thủ đô Tripoli yêu cầu bãi miễn Quốc hội vừa tự gia hạn nhiệm kỳ và tổ chức bầu cử. Quân đội Libya đã phải cử binh sỹ lập rào chắn quanh tòa nhà Quốc hội và các tuyến đường chính dẫn đến đây để ngăn chặn người biểu tình quá khích.

Trong lời kêu gọi hòa bình hôm qua, Thủ tướng Zeidan cho biết: “Chính phủ làm theo bất cứ mệnh lệnh và nguyện vọng nào của người dân. Vì thế tôi kêu gọi tất cả công dân Libya hãy hợp tác với các cơ quan chính phủ. Chúng tôi kêu gọi tất cả công dân cam kết thúc đẩy hòa bình và không tìm đến các biện pháp bạo lực vì bất cứ lý do gì”.

Hai năm rưỡi sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ, tiến trình chuyển giao dân chủ ở Libya vẫn chìm trong khủng hoảng khi chính phủ phải đương đầu với xung đột giữa người Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Các tay súng ở phía Đông Libya đã phong tỏa một số đầu mối xuất khẩu dầu, đồng nghĩa với việc phong tỏa nguồn thu chính của chính phủ. Những mối lo ngại về an ninh ở Libya lên đến đỉnh điểm sau vụ Thủ tướng Zeidan bị bắt có hồi cuối tháng 10/2013./.