Theo đó, tài liệu của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden được tờGuardiancông bố ngày 19/1 cho thấy, Cơ quan Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ), một cơ quan tương tự như Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã liên tục theo dõi các email của các nhà báo làm việc cho các hãng truyền thông và các tờ báo lớn như Guardian, Washington Post, Reuters, New York Times, NBC, Le Monde, BBC và Sun. 

"Bóng ma" Snowden vẫn luôn ám ảnh các cơ quan tình báo phương Tây (Ảnh Reuters)

Theo tờ Guardian, các email này bao gồm cả các đoạn đối thoại giữa các phóng viên và biên tập viên của các hãng truyền thông và các tờ báo nói trên liên quan đến việc xuất bản các tác phẩm báo chí. 

Thậm chí GCHQ còn liệt một số nhà báo điều tra vào danh sách những người có khả năng đe dọa đến an ninh tương tự như những hacker và những kẻ khủng bố. 

Trong khi đó, hơn 100 biên tập viên của các tờ báo lớn tại Anh ngày 19/1 đã ký vào một bức thư yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron phải bảo vệ các nhà báo chống lại việc cảnh sát nước này theo dõi các cuộc gọi của họ. Các biên tập viên này cũng bày tỏ lo ngại rằng cảnh sát Anh có thể lạm dụng quyền giám sát theo Luật Chống Khủng bố của Anh.

Bức thư này cũng dẫn một ví dụ cụ thể về việc Cảnh sát London sử dụng quyền giám sát theo Luật về Điều tra để tiếp cận với các cuộc điện đàm của phóng viên tờ Sun khiến các tờ báo Anh “một phen hoảng loạn”. 

Bức thư này nêu rõ: “Những kẻ (như Snowden), sẽ không cung cấp thông tin cho báo chí nếu các cơ quan thực thi pháp luật có thể tiếp cận các cuộc điện đàm giữa họ với báo chí nếu muốn”. 

Trong khi đó, người phát ngôn GCHQ khẳng định: “Chính sách của chúng tôi là không bình luận về các vấn đề tình báo. Hơn nữa, tất cả những gì  mà GCHQ làm là hoàn toàn tuân thủ luật pháp và chính sách của Anh để đảm bảo rằng những việc chúng tôi làm là hợp pháp, cần thiết và phù hợp”.  

Tại Mỹ, nhiều tổ chức dân sự ở nước này đã phản ứng dữ dội với tiết lộ này. 

“Đây là một hệ quả không thể tránh khỏi từ chính sách theo dõi hàng loạt mà luật pháp Anh và Mỹ đều cho phép”, ông Jameel Jaffer, Phó Giám đốc phụ trách về pháp luật của Liên đoàn Tự do Dân chủ Mỹ tuyên bố. 

Ông Jaffer cũng khẳng định: “Có quá ít bằng chứng cho thấy việc theo dõi hàng loạt là hiệu quả và cần thiết trong khi hoạt động này là mối đe dọa thực sự tới quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận”. 

Các nhà hoạt động vì quyền tự do báo chí cũng lên tiếng cho rằng, tiết lộ của Snowden làm đấy lên nhiều hoài nghi. “Nhìn qua thì có vẻ như các phóng viên không phải là đối tượng mà họ muốn nhắm đến. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng, liệu với thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa Mỹ và anh thì các cơ quan tình báo Mỹ có thể tiếp nhận được thông tin này hay không”, cô Hannah Bloch-Wehba­, làm cho Ủy ban về Quyền Tự do Báo chí cho các Phóng viên thuộc Quỹ Stanton, Mỹ chia sẻ. 

Trong khi đó, Tổng Chưởng lý Mỹ Eric H. Holder cũng vừa công bố những biện pháp chặt chẽ hơn khi các phóng viên sử dụng các lệnh khám xét của tòa án trong việc thu thập các thông tin của nhà báo. 

Theo đó, các nhân viên điều tra liên bang Mỹ sẽ cần phải được Tổng chưởng lý chấp thuận mới được phép lấy các thông tin từ các nguồn thông tin mật của các nhà báo. 

Trước đó, việc thu thập thông tin này của các nhân viên điều tra được cho là một hoạt động hết sức bình thường./.