Đây là sự kiện được đánh giá là mang tính lịch sử khi là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới địa điểm này, nơi diễn ra trận Trân Châu Cảng cách đây 75 năm.

obama_abe_atez.jpg
Tổng thống Obama (trái) trao đổi công việc với Thủ tướng Abe tại Nhật Bản hồi tháng 5/2016. Ảnh: AP

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, 7 tháng sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Hiroshima. 

Địa điểm đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt chân tới ngay khi  đến Hawaii là Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương, nơi tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong trận Trân Châu Cảng cách đây đúng 75 năm. Cùng đi với ông có Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và Đại sứ Mỹ ở Nhật Bản Caroline Kennedy.

Cách đây 75 năm, ngày 7/12/1941, phát xít Nhật đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào lực lượng Hải quân Mỹ tại Hawaii, còn gọi là trận Trân Châu Cảng, dẫn đến việc Mỹ sau đó quyết định tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Bốn năm sau đó, tháng 8/1945, quân đội Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố của  Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki.

Theo các nhà phân tích, giữa Nhật Bản và Mỹ có một lịch sử phức tạp cần phải vượt qua và tấm gương phản chiếu rõ nhất chính là chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây 7 tháng và  chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trước khi lên đường tới Hawaii, Thủ tướng Abe cho biết ông muốn tới thăm khu tưởng niệm sự kiện này vì theo ông, thế giới không bao giờ được phép lặp lại sự kinh hoàng của chiến tranh một lần nữa.

Cùng với Tổng thống Obama, ông Abe muốn bày tỏ với thế giới về cam kết cho tương lai và giá trị của hòa giải. Dự kiến, trong ngày 27/12, lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Honolulu.

Bà Marianne Peron-Doise, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Trường quân sự Pháp cho biết: “Chuyến thăm Hawaii của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bối cảnh 70 năm quan hệ Nhật Bản- Mỹ, một mối quan hệ được đánh giá là rất chặt chẽ, song cũng khó dự đoán đối với cả với Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Bản Abe.

Bản thân ông Obama cũng không thể nào biết trước được liệu người kế nhiệm của mình có tiếp tục chính sách xoay trục tại châu Á-Thái Bình Dương hay không. Còn đối với Thủ tướng Nhật Bản Abe, đó là sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực, cũng như những vấn đề tại Đông Bắc Á”.

Cuộc gặp mặt tại Trân Châu Cảng là động thái mới nhất của ông Abe trong việc củng cố hệ thống liên minh bên ngoài nước Nhật để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi theo các nhà phân tích, 4 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Abe hiểu rằng, ông có thể nắm giữ một cơ hội để đảm bảo cho sự thay đổi Hiến pháp mang tính bước ngoặt của Nhật Bản về chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến, điều có thể giúp Nhật Bản hội nhập quốc tế, nhưng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Chính vì thế, cũng giống như những gì ông Obama đã làm ở Hiroshima, Thủ tướng Abe nhấn mạnh ông sẽ không đưa ra lời xin lỗi tại Trân Châu Cảng, mà thay vào đó, ông Abe sẽ coi cuộc gặp gỡ nhằm để “an ủi linh hồn các nạn nhân” và “cho thấy sức mạnh của sự hòa giải đã biến những kẻ thù cố hữu thành những đồng minh thân thiết”./.