Theo Reuters, Thủ tướng mới được chỉ định của Italy Enrico Letta hôm 27/4 dự kiến thông báo thành lập chính phủ mới và sẽ công bố chương trình hành động vào đầu tuần tới.
Đây là nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài gần 2 tháng qua tại Italy do không thành lập được chính phủ mới sau tổng tuyển cử. Ông Letta sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ của cả các đảng phái cánh tả lẫn cánh hữu và nội các của ông sẽ phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội vào thứ 2 tuần tới.
Tiếp sau cuộc tham vấn trong nội bộ đảng Dân chủ, ngày 26/4, ông Letta, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ (PD) theo đường lối trung tả, đã có cuộc thảo luận với cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi,, lãnh đạo liên minh trung hữu liên quan hợp tác giữa hai đảng trong chính phủ mới.
Ông Enrico Letta được giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới trong thời gian sớm nhất nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng tê liệt về chính trị và tiếp tục đường lối cải cách kinh tế.
Ông Letta cho biết, mục đích của ông là thành lập một chính phủ tinh gọn, gồm dự kiến là 18 bộ trưởng giàu kinh nghiệm. Truyền thông Italy cho biết, ngoài các chính trị gia, thành phần nội các của ông Letta có thể có các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau. Chính phủ mới được dự đoán sẽ bao gồm Đảng Dân chủ, Đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cùng với nhóm ôn hòa của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti.
Tất các các đảng phái lớn này cho biết sẽ ủng hộ chính phủ. Ông Letta cho biết, ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới là thúc đẩy các biện pháp tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cải cách các thể chế chính trị, trong đó có luật bầu cử. Ông cũng đã lên tiếng phản đối chính sách khắc khổ mà nhiều nước châu Âu hiện nay đang áp dụng, đồng thời nhấn mạnh việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư và điều này cũng nhận được sự ủng hộ của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi.
Trong khi đó, các đại diện của Nhân dân tự do cho biết để nhận được sự ủng hộ của đảng này trong việc thành lập đại liên minh, ông Lette phải cam kết dành các ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm thuế. Đảng này kêu gọi ông Letta ủng hộ kế hoạch 8 điểm nhằm phục hồi nền kinh tế Italy, bao gồm bãi bỏ thuế đánh vào các công ty thuê lao động thanh niên, cắt giảm các thủ tục hành chính và bãi bỏ một số thuế nhà đất vốn gây nhiều bức xúc từ phía người dân. Đây từng là một trong những nội dung tranh cử của đảng trung hữu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 vừa qua.
Nhiều người dân Italy bày tỏ tin tưởng Thủ tướng mới của họ có thể mang lại thay đổi cho đất nước, vốn đang chìm sâu vào suy thoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Italy hiện đang ở mức cao và tình hình kinh tế khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Do đó quốc gia thành viên khu vực đồng Euro này cần một chính phủ có đủ khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước./.