Ngày mai (10/3), nước Anh đứng trước thời khắc quyết định khi Thỏa thuận Brexit một lần nữa được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện Anh. Tuy nhiên, ngay trước thềm bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với sức ép từ chức.

thu_tuong_anh_brexit_bzhi.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: The Duran.

Những nghị sĩ Bảo thủ nổi loạn theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cho rằng bà có thể phải "hy sinh ngôi vị thủ tướng" để đổi lấy số phiếu ủng hộ từ nhóm này cho cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu - EU) quan trọng vào ngày mai. Những nghị sĩ này tin rằng, việc thay đổi "chủ nhân nhà số 10 Downing" (nơi đặt Văn phòng thủ tướng Anh) sẽ phát đi tín hiệu về cách tiếp cận tích cực hơn đối với các cuộc thảo luận về tương lai thỏa thuận thương mại Anh-EU.     

Phát biểu trên đài BBC vào hôm 10/3, cựu Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan cho rằng nếu Thủ tướng Theresa May thất bại tại cuộc bỏ phiếu ý nghĩa quan trọng vào ngày mai thì "sẽ rất khó để Thủ tướng tiếp tục ở lại văn phòng dài lâu".

Còn về phía Công đảng đối lập, ông John MacDonnnell, người phát ngôn của Công đảng cho biết: ''Nói thẳng ra rằng chúng tôi bị Thủ tướng Anh ép buộc vào tình huống này. Chúng tôi có một thỏa thuận có thể bảo vệ tốt hơn cho công ăn việc làm và nền kinh tế của Anh mà 2 tuần trước, đại diện của Liên minh Châu Âu rất muốn đàm phán với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quan điểm rằng nếu chúng tôi không thể làm tốt điều đó, thì chúng tôi vẫn phải hỗ trợ cho dù đó là điều chúng tôi bị ép buộc.”

Một số ý kiến cho rằng, Thủ tướng Theresa May nếu thất bại tại cuộc bỏ phiếu ngày 12, 13 và 14/3 thì không nên tại vị quá tháng 6. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng hiện giờ vẫn khẳng định bà Theresa May chưa thảo luận gì đến ý định từ chức lúc này. Thủ tướng Theresa May trong đợt bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit hồi tháng 1 đã từng tuyên bố bà sẽ từ chức trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến vào năm 2022.

Hiện các đồng minh của Thủ tướng Theresa May cho biết bà đã chuẩn bị sẵn sàng bay sang Brúc-xen (Bỉ) vào ngày hôm nay để thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Jean-Claude Juncker về thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, các thành viên nội các Anh không lạc quan trước khả năng đàm phán Anh-EU đạt được những kết quả đủ lớn để có thể tác động khiến 230 nghị sĩ phản đối thỏa thuận Brexit hồi tháng 1 thay đổi quan điểm của họ tại cuộc bỏ phiếu tới đây.

Ông Stewart, nghị sỹ Quốc hội Anh cho biết: ''Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta buộc phải trì hoãn quá trình rời khỏi EU theo điều 50, nhưng tôi nghĩ, đây  là một lựa chọn tồi tệ hơn thỏa thuận của Thủ tướng,. Đây không phải là điều chúng tôi mong muốn”.

Trong trường hợp các nghị sĩ không ủng hộ kịch bản Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận, Thủ tướng sẽ đề xuất hoãn thời điểm Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, bất cứ sự trì hoãn nào cũng cần phải có sự thông qua của lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tại Brussels, Bỉ vào ngày 21 và 22/3 tới, một tuần trước thời hạn Anh ra khỏi Liên minh châu Âu./.