Nền dân chủ Brazil đang trải qua một thời khắc quyết định. Đó là nhận xét của Tổng thống Dilma Rousseff đưa ra hôm qua (10/5) trước hàng nghìn người ủng hộ bà trong bối cảnh Thượng viện hôm nay (11/5) bỏ phiếu xem xét việc đưa Tổng thống ra xét xử trước một tòa án chính trị nhằm phế truất người đứng đầu nhà nước.

brazil_ltum.jpg
Người biểu tình phản đối Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: Reuters)

Trong một diễn biến có thể bất lợi cho bà Rousseff, Thượng viện Brazil hôm qua (10/5) bỏ phiếu bãi nhiệm Thượng nghị sỹ Delcidio do Amaral vì tội lạm dụng quyền hạn và cản trở điều tra các bê bối tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Ông Amaral là cựu lãnh đạo đảng Lao động của bà Rousseff tại Thượng viện và là người đã cáo buộc đến 74 nghị sỹ của cả 2 đảng cầm quyền và đối lập về tội tham nhũng. Ông bị bắt tháng 11/2015 và kể từ đó, bà Rousseff cũng như đảng Lao động luôn cố gắng tách biệt khỏi những việc làm sai trái của chính trị gia này. Từ chỗ là đồng minh của Tổng thống Rousseff tại Thượng viện, giờ đây ông Amaral bị cấm hoạt động chính trị trong vòng ít nhất 8 năm.

Nếu Thượng viện Brazil hôm nay (11/5) hoặc ngày mai (12/5) bỏ phiếu đồng ý luận tội Tổng thống Rousseff, bà sẽ bị tạm truất quyền trong vòng 180 ngày để phục vụ công tác điều tra xét xử. Nếu chứng tỏ được sự trong sạch, bà Rousseff sẽ trở lại nắm quyền sau đó, nếu không, Phó Tổng thống Michel Temer sẽ thay thế vị trí của bà cho đến khi Brazil tổ chức bầu cử năm 2018.

Tổng thống Dilma Rousseff tuyên bố sẽ ngăn cản việc bị Quốc hội bãi nhiệm bằng mọi cách. Bà Rousseff nói: “Đối với tôi, đây là một thời khắc quan trọng và cũng là thời điểm mang tính quyết định đối với nền dân chủ Brazil. Đây là lúc người dân cảm nhận được rằng chúng ta đang làm nên lịch sử cho đất nước này”.

Tuy nhiên, hiện bà Rousseff chỉ còn một hy vọng duy nhất là Tòa án Tối cao Brazil sẽ hủy kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện hồi tháng trước về việc đề nghị đưa bà ra luận tội. Việc Tòa án Tối cao Brazil xem xét lại cuộc bỏ phiếu trên là làm theo lời kêu gọi của Viên chưởng lý Eduardo Cardozo, luật sư hàng đầu của chính phủ.

Ông Cardozo cho rằng, kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện không có cơ sở luật pháp nào và đã bị bóp méo vì mục đích chính trị khi các nghị sỹ phải đưa ra quyết định theo định hướng chung của đảng của họ.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Waldir Maranhao cũng tuyên bố sẽ hủy kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện nhưng ngay sau đó ông đã phải rút lại quyết định gây tranh cãi này vì sức ép của phe đối lập và vì Thượng viện vẫn tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự trong ngày hôm nay.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro hôm qua thông báo sẽ có cuộc tham vấn tư pháp với Tòa án Nhân quyền liên Mỹ về quá trình luận tội Tổng thống Rousseff. Ông khẳng định, Tổ chức các nước châu Mỹ có nghĩa vụ quan sát việc thực thi dân chủ ở khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng an ninh tư pháp của Brazil.

Theo ông Almagro, có quá nhiều nghị sĩ đứng trước nguy cơ bị cáo buộc dính líu tới tham nhũng, ảnh hưởng tới quá trình luận tội bà Rousseff. Ông cho rằng, Tổng thống Brazil thực sự đã không phụ sự tin tưởng của cử tri trong suốt thời gian nắm quyền.

Ông Almagro nói: “Bà Rousseff không thất bại. Bà ấy đã đem lại thành quả cho tất cả các bạn, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Sự can đảm của bà và cuộc đấu tranh của bà là hình mẫu cho tất cả phụ nữ Brazil. Về cơ bản, nó đại diện cho sự dũng cảm và giá trị của phụ nữ Brazil. Những điều đó tạo ra chỗ đứng của phụ nữ trên chính trường trong tương lai”.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng./.