Càng gần thời điểm 12/5, dư luận càng được thấy nhiều những “lời qua, tiếng lại” về việc nên hay không sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay khả năng đàm phán về một thỏa thuận mới được các bên liên quan đưa ra với những thái độ “cứng rắn” khác nhau.
Thủ tướng Israel Netanyahu trong cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Quốc phòng tại Tel Aviv hôm 30/4, cáo buộc Iran đã nói dối. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh này, Israel ngày 30/4 đưa ra một tuyên bố “gây chấn động” về dự án hạt nhân quân sự bí mật của Iran. Dù thông tin mà Israel cung cấp chưa được kiểm chứng, song cũng đủ khiến giới phân tích lo ngại rằng, số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran được Tehran ký với 6 cường quốc năm 2015 đang trở nên “mong manh” hơn bao giờ hết.
Với cáo buộc Iran đang “lừa dối” cả thế giới khi che giấu một chương trình hạt nhân quân sự bí mật mang tên Amad trong bối cảnh Tehran đã kí thỏa thuận với các cường quốc năm 2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như đang tiếp thêm “động lực” cho Mỹ để rút khỏi thỏa thuận hạt nhân “lịch sử” này.
“Iran đã nói dối trong một thời gian dài. Sau khi ký thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, Iran đã tăng cường nỗ lực che giấu các tập tin hạt nhân bí mật của mình. Năm 2017, Iran đã chuyển các tập tin vũ khí hạt nhân của mình đến một địa điểm rất bí mật ở Tehran. Một vài tuần trước, trong một thành tựu tình báo của Israel, chúng tôi đã thu thập được nửa tấn tài liệu mật, liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Và bản sao của chúng sẽ sớm được công bố”, Thủ tướng Israel nói.
Theo giới chuyên gia, hầu hết các bằng chứng mà Thủ tướng Israel đưa ra đều là những tư liệu cũ có trước năm 2015. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahi cho biết, ông sẽ sớm công bố các bằng chứng mới và thuyết phục hơn. Theo ông, Iran đã chuyển chương trình vũ khí của mình đến một địa điểm bí mật để tránh bị thế giới phát hiện.
Ngay sau công bố của Thủ tướng Israel-nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực, Tổng thống Donald Trump lập tức lên tiếng khẳng định khả năng nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đang ở thăm Mỹ, ông Trump một lần nữa chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận "tồi tệ", nhấn mạnh một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran có khả năng sẽ bắt đầu được đàm phán và Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của mình vào ngày 12/5 tới.
Trước những cáo buộc từ phía Israel và quan điểm “cứng rắn” từ người đứng đầu nước Mỹ, Bộ Ngoại giao Iran hôm qua đã đưa ra những phản ứng đầu tiên. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại tưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, Tổng thống Mỹ đang “hùa theo” việc lặp lại những cáo buộc cũ đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế giải quyết, nhằm xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Ngoại trưởng Iran nghi ngờ đặt câu hỏi liệu đây là một sự “trùng hợp” hay là sự “phối hợp ăn ý” của Mỹ và Israel-hai quốc gia luôn muốn thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ?.
Trước viễn cảnh Mỹ liên tục đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, 3 đồng minh của Mỹ là Pháp, Đức, Anh đến ngày 30/4 vẫn khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran là con đường tốt nhất để ngăn chặn tham vọng vũ khí nguyên tử của Tehran, đồng thời sẽ đề xuất một hiệp định mới để đáp ứng các lo ngại của Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến nay vẫn kiên quyết khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận vốn được coi là lịch sử này./.
Iran dọa đáp trả tương thích nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Nga và Pháp kêu gọi thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran
Israel – Iran khẩu chiến về chương trình hạt nhân Iran