Trong tuyên bố đưa ngày hôm qua, 28/2, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về ngừng bắn 30 ngày không áp dụng cho chiến dịch quân sự kéo dài 5 tuần của nước này ở khu vực Afrin chống lại lực lượng người Kurd (ở Syria mà nước này gọi là nhóm khủng bố.

turkey_vkjr.jpg
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về ngừng bắn cũng như phủ nhận quan điểm của Pháp khi cho rằng lệnh ngừng bắn áp dụng đối với cả chiến dịch Afrin. Trước đó, cả Mỹ và Pháp đều kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem lại Nghị quyết của LHQ và nhấn mạnh Nghị quyết áp dụng cho tất cả các khu vực ở Syria, bao gồm Afrin và phải áp dụng không chậm trễ.

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc thông qua ngày 24/2 vừa qua kêu gọi tất cả các bên chấm dứt hoạt động thù địch trong ít nhất 30 ngày liên tục trên khắp Syria không chậm trễ. Nghị quyết không áp dụng đối với các hoạt động quân sự chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo ( IS) tự xưng và al-Qaeda cùng các nhóm có liên quan tới khủng bố.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các đơn vị bảo vệ của người Kurd, kiểm soát Afrin là một phần mở rộng của Đảng Lao động người Kurd mà Mỹ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố.

Trong một động thái liên quan, Liên Hiệp Quốc thông báo không có ý tham gia vào cơ chế giám sát ngưng bắn ở Syria. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria rằng các nước liên quan phải làm việc nghiêm túc để chấm dứt lệnh ngừng bắn tại Syria theo Nghị quyết 2401 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Liên Hợp Quốc lưu ý rằng các nỗ lực trước đây để thiết lập một cơ chế như vậy đã thất bại. Nguyên nhân là thiếu ý chí chính trị của các quốc gia thành viên trong hỗ trợ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc. Trước đó, Pháp đã kêu gọi thiết lập một cơ chế theo dõi ngừng bắn tại Syria./.