Việc chôn cất thi thể của nghi phạm đánh bom Boston ở Mỹ đang gặp nhiều khó khăn khiến gia đình nghi phạm đang phải tìm kiếm cơ hội ở quê nhà.

nha-tang-le-o-worcester.jpg
Cảnh sát kiểm soát chặt nhà tang lễ ở Worcester - nơi đang giữ thi thể của nghi phạm đánh bom Boston Tamerlan Tsarnaev (Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia pháp lý, Luật chống khủng bố của Nga quy định không được đưa thi thể của những kẻ khủng bố, hoặc chỉ là nghi phạm khủng bố, trở về mai táng tại Nga vì lo ngại ngôi mộ sẽ trở thành một biểu tượng cho những kẻ có cùng tư tưởng cực đoan. Thay vào đó, thi thể của họ sẽ được chính phủ bí mật chôn cất. Trước quy định đó, gia đình của Tamerlan đang xem xét việc hỏa táng cho con trai và cố gắng mang tro cốt về nước.

Tuy biết rằng hỏa táng là việc làm đi ngược lại với luật Hồi giáo, nhưng với cha mẹ của nghi phạm đánh bom, đó là cách duy nhất để chôn cất con trai họ. Cha mẹ nghi phạm còn sợ rằng chính quyền Nga thậm chí có thể không cho phép mang tro của Tamerlan về nước, theo Heda Saratova, một nhà hoạt động về quyền con người đồng thời là phát ngôn viên của gia đình Tsarnaev.  

Tamerlan Tsarnaev đã bị giết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát ngày 19/4. Tuy nhiên, cho đến nay, không một nhà thờ Hồi giáo nào ở Mỹ đồng ý tổ chức tang lễ hay một nghĩa trang nào đó đồng ý cho việc chôn cất.

Những người biểu tình xếp hàng bên ngoài một nhà tang lễ nơi đặt thi thể của Tamerlan đã cảnh báo họ thậm chí còn sẵn sàng đào ngôi mộ lên nếu thi thể của nghi phạm đánh bom Boston được chôn trên đất Mỹ. Thành phố Cambridge đã ra tuyên bố sẽ không cho phép Tamerlan Tsarnaev được chôn cất ở đó.

Người dân Boston biểu tình phản đối tổ chức tang lễ cho Tarmelan Tsarnaev (Ảnh: AP)

Mẹ của Tamerlan Tsarnaev mong muốn được đưa thi thể của con trai bà về Nga chôn cất dù có phải tốn hàng ngàn đô la. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng bà còn có cơ hội được nhìn thấy con trai mình lần cuối.

Theo các chuyên gia pháp lý của Nga, giới chức nước này có thể tuyên bố Tamerlan Tsarnaev là khủng bố và từ chối quyền được mang thi thể về chôn cất. Thay vào đó, gia đình Tsarnaev sẽ chỉ nhận được một bản thông báo rằng Chính phủ đã lo liệu chuyện hậu sự của Tamerlan.

Năm 1996, quy định này đã được đưa vào luật, theo đó rằng nếu một cá nhân chết trong khi thực hiện một vụ khủng bố hoặc một nghi phạm bị giết trong khi truy sát thì "thi thể của họ sẽ không được trả lại cho gia đình, và được chôn cất ở nơi bí mật".

Năm 2012, trong khi xuất hiện tại một trại hè của thanh thiếu niên, Tổng thống Nga V.Putin đã lên tiếng bảo vệ chính sách này. Ông nêu rõ: "Tôi đồng ý rằng quy định này có vẻ tàn nhẫn, nhưng chúng ta không thể khoan nhượng cho hành động của những kẻ khủng bố"

Trong khi Mỹ có rất ít kinh nghiệm trong việc xử lý thi thể của những kẻ khủng bố, thì Nga đã giải quyết hàng ngàn trường hợp như vậy trong những năm qua. Trong nhiều thập kỷ, Moscow đã phải đối phó với lực lượng ly khai nổi dậy ở khu vực Caucasus, đặc biệt ở Chechnya và Dagestan, quê hương của anh em nhà Tsarnaev. Cách giải quyết của Nga chủ yếu là tiêu diệt nghi can khủng bố trong các cuộc tấn công thay vì bắt họ sống để truy tố.

Theo giới chuyên gia pháp lý, trường hợp của Tamerlan Tsarnaev tương đối phức tạp, do tên này bị giết chết ở nước ngoài và chứ không phải ở Nga hay do lực lượng an ninh Nga. Sự khác biệt này có thể đưa vụ việc trở thành vấn đề quốc tế mà ngay cả những luật sư dày dạn nhất của Nga trong lĩnh vực này cũng phải “gãi đầu”. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, được phép chôn cất công khai.

Đó là trường hợp của William Plotnikov, một người Nga nhập cư vào Canada sau đó theo đạo Hồi và quay trở lại Dagestan và tham gia một nhóm chiến binh. Ông ta bị giết trong một cuộc đột kích của cảnh sát gần ngôi làng nhỏ ở Dagestan nơi ông sống và được chôn cất trong một ngôi mộ được đánh dấu gần đó.

Các nhà điều tra cũng đang xem xét liệu Tsarnaev có bất cứ liên hệ nào với Plotnikov trước hoặc trong chuyến thăm Dagestan 6 tháng vào năm 2012.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng rằng trường hợp của Plotnikov chỉ là một ngoại lệ.

Trong quá khứ, người ta có thể “hối lộ” một khoản tiền lớn (có thể hơn 16.000 USD) để lấy được xác của người thân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì việc hối lộ rất khó thực hiện, thậm chí không thể./.