Ba nghị sĩ gửi thư đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 2/2 đều là các thành viên của chính đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Johnson. Những nghị sĩ này cho rằng, không thể chấp nhận cách hành xử của ông Boris Johnson trước dư luận Anh kể từ sau khi bản báo cáo điều tra sơ bộ về các bê bối tiệc tùng được công bố hồi đầu tuần này. Những nghị sĩ này đánh giá, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn cố tình che dấu và chối bỏ trách nhiệm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 nghị sĩ Anh chính thức gửi thư đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Boris Johnson. Mặc dù một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Boris Johnson trong nội bộ các nghị sĩ đảng Bảo thủ cần phải có ít nhất 54 thư yêu cầu từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhưng giới phân tích cho rằng, đang có một làn sóng mới chống ông Boris Johnson trong chính đảng Bảo thủ, khi các tình tiết từ cuộc điều tra hé lộ nhiều chi tiết bất lợi với ông Boris Johnson.

Bản báo cáo điều tra được bà Sue Gray, công chức nhà nước cao cấp, tiến hành và công bố đầu tuần này nhận định đã có những lỗ hổng nghiêm trọng trong cách quản lý và lãnh đạo của chính phủ Anh và cá nhân ông Boris Johnson khi để một loạt các vụ tiệc tùng được tổ chức trái quy định trong khuôn viên Phủ Thủ tướng Anh, vào những thời điểm mà nước Anh đang phải phong tỏa để chống dịch Covid-19 các năm 2020 và 2021. Cá nhân ông Boris Johnson đã tham dự một số bữa tiệc, kể cả vào thời điểm phong tỏa nghiêm ngặt nhất.

Tuy đây chưa phải là báo cáo điều tra cuối cùng và Sở Cảnh sát thủ đô London cũng đang tiến hành điều tra riêng nhưng các đối thủ chính trị và dư luận Anh đang yêu cầu ông Boris Johnson phải công bố toàn bộ báo cáo điều tra sơ bộ của bà Sue Gray. Liên tiếp từ đầu tuần này, ông Boris Johnson đã phải đối mặt với các chất vấn gay gắt từ các nghị sĩ Anh.

Trong chiều 2/2, lãnh đạo các đảng đối lập tại Hạ viện Anh là các ông Keir Starmer của Công đảng và Ian Blackford của đảng Dân tộc Scotland (SNP) tiếp tục chỉ trích quyết liệt ông Boris Johnson là đang cố tình đánh lạc hướng dư luận Anh bằng các thuyết âm mưu và các chính sách gây tranh cãi. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích, khi cho rằng, ông Boris Johnson đang tìm mọi cách hướng sự chú ý của dư luận Anh sang các vấn đề khác, trong đó có việc đích thân đến thăm Ukraine hôm 1/2 và gia tăng chỉ trích Nga hay công bố việc cắt giảm thuế.

Phát biểu trước các nghị sĩ Anh chiều 2/2, ông Boris Johnson cũng tiếp tục từ chối các đòi hỏi từ chức khi khẳng định Chính phủ của ông đang làm tốt việc chống dịch và phục hồi kinh tế và đó là yếu tố quan trọng nhất để ông tiếp tục lãnh đạo chính phủ.

“Điều chúng tôi đang làm và vô cùng quan trọng, đó là tăng số lượng các công việc có tay nghề cao và được trả lương cao tại Anh, với hơn 420.000 công việc loại này được tạo thêm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nước Anh là nước bước ra khỏi đại dịch Covid-19 sớm nhất trong các nền kinh tế châu Âu vì Anh có chiến dịch tiêm vaccine và tiêm tăng cường nhanh nhất”, ông Boris Johnson nhấn mạnh./.