Tại Cuba, hơn 3 triệu người Cuba đã diễu hành trên khắp các tỉnh, thành của đất nước, chào mừng Ngày Quốc tế Lao động và phản đối chiến dịch tuyên truyền do Mỹ và các nước châu Âu phát động chống lại quốc đảo Caribe này.

Tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana, 800.000 người dân thủ đô đã tham gia cuộc diễu hành không lồ nhằm bày tỏ tình đoàn kết của dân tộc Cuba, cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ những thành quả của Cách mạng Cuba và sự ủng hộ tuyệt đối với Cách mạng, lãnh tụ Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro và Đảng Cộng sản Cuba.

Giới chức Cuba cũng kêu gọi toàn thể người lao động Cuba tích cực tham gia sản xuất để đảm bảo nền kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, tại Mỹ, hàng chục nghìn người biểu tình đã diễu hành trên các đường phố ở Los Angeles để phản đối một đạo luật nhập cư vừa được tiểu bang Arizona ban hành, theo đó cho phép nhân viên an ninh được quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân bất cứ ai bị nghi ngờ là người nhập cư bất hợp pháp. Đây là một trong hơn 70 cuộc biểu tình trên các thành phố khắp nước Mỹ để phản đối đạo luật trên và yêu cầu cải cách luật nhập cư liên bang.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Argentina, khi hàng nghìn sinh viên, công nhân... diễu hành bên ngoài Phủ Tổng thống và Bộ phát triển xã hội để đề nghị tăng lương. Tại Venezuela, những người biểu tình cũng xuống đường bày tỏ ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez.

Tại châu Âu, hàng trăm nghìn người đã xuống đường tuần hành, bày tỏ nỗi lo lắng về công ăn việc làm trong bối cảnh thế giới chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bạo lực đã bùng phát ở Đức khi khoảng 600 phần tử quá khích ném chai lọ, gạch đá và đốt phá các phương tiện của cảnh sát chống bạo động.

Ở Bulgaria, hơn 5.000 người tham gia biểu tình để phản đối tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và cách điều hành của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng kinh tế. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 100.000 người đã tới quảng trường trung tâm ở thành phố Istanbul để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 lần đầu tiên kể từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Trước đó, người lao động tại nhiều nước ở châu Á đã xuống đường tuần hành, mít tinh, đòi quyền được làm việc, tăng lương và cải thiện cuộc sống./.