1.Theo giới chức Nhà Trắng, trong cuộc gặp ngày 20/11 với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Tổng thống Putin duy trì những cam kết của Nga theo thỏa thuận Minsk cho hòa bình Ukraine.

24h1_afp_piid.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). (Ảnh: AFP)

Ông Obama cũng cho rằng, Ngoại trưởng hai nước cần tiếp tục theo đuổi những sáng kiến, phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu bạo lực và xoa dịu nỗi thống khổ của người dân Syria.

Trong khi đó, trả lời phóng viên tại cuộc họp báo sau Hội nghị APEC, Tổng thống Nga Putin cho biết, trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Mỹ, hai bên thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng lập trường của nhau, dù cuộc đối thoại giữa hai bên diễn ra không dễ dàng.

2. Hôm qua (20/11), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tại Damascus để thảo luận tình hình ở Aleppo.

Chiến sự vẫn đang diễn ra rất ác liệt ở Aleppo. (Ảnh: EPA)

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Đặc phái viên Mistura đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp đến miền Đông Aleppo. Ông Mistura cho biết, tình hình nhân đạo tại khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Aleppo đang xuống cấp trầm trọng vì những trận dội bom và giao tranh liên tiếp.

Ông Mistura cũng kêu gọi chính phủ Syria công nhận quyền quản lý địa phương của phe đối lập tại miền Đông Aleppo, nói cách khác là thiết lập một “vùng tự trị” ở miền Đông Aleppo do một hội đồng được bầu điều hành. Đặc phái viên Mistura công nhận chính phủ Syria vẫn phải gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ song cho rằng, Aleppo nên được đối xử đặc biệt.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo riêng biệt sau cuộc thảo luận với đặc phái viên Mistura, Ngoại trưởng Syria Muallem bác bỏ đề xuất để thiết lập một “vùng tự trị” ở miền Đông Aleppo, đồng thời khẳng định chính phủ Syria sẽ chiến đấu giành lại toàn bộ phần lãnh thổ này.

Ngoại trưởng Syria tái khẳng định, chính phủ nước này duy trì cam kết giải quyết khủng hoảng bằng con đường chính trị song cho biết cuộc gặp với Đặc phái viên Mistura cũng vẫn chưa chọn được ngày để nối lại vòng đàm phán tiếp theo.

3. Sáng 21/11 các nhân viên cứu hộ Ấn Độ đã kết thúc hoạt động tìm kiếm phía trong các toa tàu biến dạng của đoàn tàu bị trật ray vào hôm 20/11. Theo đó, số hành khách thiệt mạng trong thảm họa này đã được xác định là ít nhất 142 người, còn số bị thương là hơn 200 người.

Sáng 21/11 các nhân viên cứu hộ Ấn Độ đã kết thúc hoạt động tìm kiếm phía trong các toa tàu biến dạng của đoàn tàu bị trật ray vào hôm 20/11. (Ảnh: AP)

Vụ trật ray ở bang Uttar vào hôm 20/11 này là tai nạn tàu hỏa tang thương nhất của Ấn Độ kể từ năm 2010 và một lần nữa làm dấy lên các quan ngại về tiêu chuẩn an toàn của mạng lưới đường sắt do nhà nước quản lý. Hệ thống đường sắt được hàng triệu người dân Ấn Độ sử dụng thường xuyên nhưng không được quan tâm đầu tư đúng mức.

Cảnh sát tại hiện trường tai nạn cho biết các đội cứu hộ đã hoàn thành việc tìm kiếm các thi thể bị chôn vùi dưới 14 toa tàu bị trật ray trong lúc hầu hết các hành khách (khoảng 500 người) đang ngủ.

4. Kênh truyền hình RT ngày 20/11 đưa tin, 11 nước thành viên của NATO đã triển khai 4.000 binh sĩ đến Litva, tham gia cuộc tập trận đa phương mang tên Kiếm sắt 2016 (Iron Sword 2016) diễn ra từ ngày 20/11 đến 3/12.

Binh sĩ NATO trong một hoạt động huấn luyện. (Ảnh: Getty)

Chỉ huy cuộc tập trận Đại tá Dalius Polekauskas cho biết, cuộc tập trận đa quốc gia này là một cơ hội để chứng minh khả năng tác chiến và phòng thủ của NATO. Thông qua các bài diễn tập giữa quân đội đa quốc gia, NATO sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh.

Theo Bộ quốc phòng Litva, cuộc tập trận Kiếm sắt 2016 bao gồm nhiều hoạt động như tấn công, phòng thủ, phản ứng khẩn cấp và các nhiệm vụ khác đòi hỏi thách thức lớn đối với các lực lượng tham gia.

Kiếm Sắt là cuộc tập trận thứ 3 trong năm 2016, được tiến hành trong khuôn khổ chương trình huấn luyện quân sự hàng năm của NATO.

5. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ ban hành một sắc lệnh đơn phương tuyên bố đầm phá bên trong bãi cạn Scarborough là khu bảo tồn biển. Theo đó, Philippines sẽ cấm ngư dân của cả Philippines và Trung Quốc đánh bắt tại bãi cạn tranh chấp mà Philippines gọi là Panatag (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP)

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr., Tổng thống Duterte đã thông báo những ý định của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc thảo luận song phương ngày 19/11 bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru. 

Ông Esperon cho biết: "Tổng thống (Duterte) đã quyết định tuyên bố khu vực (đầm phá ở Scarborough) là khu vực bảo tồn. Đó là hành động đơn phương của chính phủ", ám chỉ đầm phá này "lớn như thành phố Quezon" và nổi tiếng là khu vực sinh sản của cá.

Thư ký báo chí của Tổng thống Philippines Martin Andanar nêu rõ, phản ứng nguyên văn của ông Tập Cận Bình với tuyên bố của ông Duterte là: "Chúng tôi sẽ huy động các lực lượng chính phủ nhằm thúc đẩy các thỏa thuận của chúng tôi, tăng cường chỉ đạo nhằm tạo ra một môi trường thích hợp"./.