1. Ngày 19/5, quan chức hàng không Ai Cập đã chính thức xác nhận máy bay của hãng EgyptAir chở 66 hành khách đã rơi xuống Địa Trung Hải bởi chiếc máy bay này không hề hạ cánh xuống bất kỳ một sân bay nào gần nơi nó biến mất khỏi màn hình radar.

24h_1_reuters_ibql.jpg
Đồ họa đường đi của chuyến bay MS804. (Ảnh: Reuters)

AP dẫn lời Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cho biết, còn quá sớm để xác định liệu chiếc máy bay bị rơi là do lỗi kỹ thuật hay bị tấn công khủng bố.

Ai Cập đã điều máy bay quân sự và tàu Hải quân tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ngoài khơi Địa Trung Hải. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng đã đề nghị hỗ trợ phía Ai Cập trong chiến dịch tìm kiếm này.

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành họp khẩn tại Điện Elysee. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi, ông Hollande cho biết “Pháp sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phía Ai Cập để xác minh sớm nhất nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay nói trên”.

Hy Lạp cũng đã tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay của hãng EgyptAir. Nước này đã điều một chiếc C-130 và một chiếc máy bay cảnh báo sớm cùng một chiếc tàu chiến cỡ nhỏ tham gia chiến dịch này. Ngoài ra, nhiều chiếc trực thăng của Hy Lạp cũng sẵn sàng được điều động bất kỳ lúc nào.

2. Cùng ngày, Hãng tin AP dẫn lời một phát ngôn viên quân đội Mỹ ở Afghanistan cho biết, 7 người đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Silk Way của Azerbaijan bị rơi ở miền nam Afghanistan.

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Silk Way. (Ảnh minh họa: APA)

Phát ngôn viên này hôm 19/5 cho biết chiếc máy bay chở 9 người vào thời điểm xảy ra tai nạn khi vừa cất cánh từ Dwyer – một căn cứ quân sự ở tỉnh Helmand vào ngày 18/5.

Theo ông này, hai nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn đã được đưa bằng máy bay tới sân bay Kandahar để điều trị.

Phát ngôn viên trên cho biết, những người đi trên máy bay là người Đông Âu. Còn hãng tin Reuters thì khẳng định phi hành đoàn của chiếc phi cơ chở hàng bao gồm công dân các nước Azerbaijan, Ukraine và Uzbekistan.

3. Reuters dẫn nguồn tin quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, ngày 18/5, một chiếc máy bay ném bom B-52H Stratofortress của nước này đã bị rơi trên đảo Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ngay sau khi cất cánh.

Hiện trường vụ rơi máy bay B-52 của Mỹ. (Ảnh: Kuam-tv)

Chiếc B-52H Stratofortress gặp nạn vào khoảng 8h30 (giờ địa phương) tại căn cứ không quân Andersen ở làng Yigo thuộc đảo Guam. Toàn bộ 7 thành viên phi hành đoàn đã thoát ra khỏi chiếc máy bay an toàn.

Nguồn tin quân sự nói với Reuters cho biết, đội bay trên chiếc máy bay gặp nạn là thành viên của Phi đội Ném bom Viễn chinh 69. Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc máy bay đang tham gia vào một nhiệm vụ đào tạo thông thường.

Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ.

4. Theo AFP, thông tin trên được Lầu Năm Góc đưa ra ngày 18/5. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Jamie Davis cho biết: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại vụ máy bay trinh sát của Mỹ bị 2 máy bay chiến thuật của Trung Quốc ngăn chặn vào ngày 17/5”.

Máy bay Trung Quốc trong một buổi bay trình diễn. (Ảnh: AP)

Theo ông Davis, những thông tin ban đầu cho thấy hành động của các máy bay Trung Quốc là “thiếu an toàn”.

Theo đó, 2 chiếc chiến đấu cơ J-11 đã bay cách máy bay trinh sát Hải quân E-P3 của Mỹ khoảng 50m.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, phía Mỹ đã nhận thấy quân đội Trung Quốc cải thiện hoạt động của mình và thực hiện các chuyến bay một cách an toàn và chuyên nghiệp, tuy nhiên, vụ việc gần đây nhất lại không cho thấy điều đó”.

Người phát ngôn Davis cho biết, vụ bay chặn đầu máy bay Mỹ của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên đang hợp tác để giảm thiểu những vụ tai nạn không đáng có bằng cách “tăng cường các cuộc đối thoại ở nhiều cấp khác nhau”.

“Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét giải quyết vụ bay chặn này thông qua các kênh quân sự và ngoại giao phù hợp”, ông Davis nhấn mạnh.

5. Vòng đàm phán mới nhất nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc hôm qua (18/5), tại thủ đô Minsk, Belarus, mà không đạt được thỏa hiệp về vấn đề trao đổi tù nhân, khiến các cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine khó có thể diễn ra theo lộ trình.

Hòa bình vẫn chưa thực sự trở lại ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: AP)

Sau cuộc gặp, cả chính phủ và phe đối lập Ukraine đều đổ lỗi cho nhau phải chịu trách nhiệm về thất bại của đàm phán.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích chính trị Ukraine cho rằng, mặc dù không đạt được thỏa hiệp, song cũng có nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận tại miền Đông Ukraine như quy mô và mức độ các cuộc xung đột đã giảm rõ rệt và các bên đều nhất trí thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk, cũng như về sự cần thiết của các cuộc bầu cử tại miền Đông./.