Ngày 7/4, báo chí Thái Lan phản ánh nỗi lo ngại của người dân nước này về nguy cơ xảy ra "nội chiến" vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng an ninh, nếu Chính phủ Thái Lan tạm quyền bị lật đổ, tạo ra "khoảng trống quyền lực", mở đường cho việc ra đời "Chính phủ trung lập" không qua bầu cử theo quy định của Hiến pháp.  
thailan.jpg
Lực lượng biểu tình Thái Lan tiếp tục gây sức ép với Chính phủ (Ảnh: Reuters)

Theo kết quả thăm dò vừa công bố của Viện nghiên cứu dư luận Dusit, 68,55% số người được hỏi cho rằng mâu thuẫn chính trị lan rộng sẽ có nguy cơ biến thành cuộc nội chiến ở Thái Lan; đồng thời đa số mong muốn Chính phủ và phe đối lập cần đàm phán hòa bình để khôi phục ổn định chính trị.

Trong khi đó, Trung Tướng Paradorn, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan cũng nhấn mạnh: “Yếu tố chủ yếu làm cho chính trường Thái Lan trong tháng 4 này tăng nhiệt là do hệ thống tư pháp sắp ra các quyết định, phán quyết liên quan đến sự tồn tại của Chính phủ và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra”.

Ông Paradorn cho biết thêm: “Lực lượng ủng hộ Chính phủ và lực lượng ủng hộ phe đối lập đều tuyên bố sẽ xuống đường biểu tình vào thời điểm hệ thống tư pháp ra các quyết định, phán quyết về Chính phủ tạm quyền và có nguy cơ cao xảy ra đối đầu bạo lực giữa hai phe. Điều này khiến cho các lực lượng cảnh sát, quân đội Thái Lan khó kiểm soát được toàn bộ tình hình”.

Theo nhiều chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác làm gia tăng căng thẳng giữa phe Chính phủ và phe đối lập là phát biểu ngày 5/4 của nhà lãnh đạo biểu tình Suthep. Ông Suthep cho rằng đã đến thời điểm cuộc biểu tình của "đại đa số nhân dân" giành lấy chính quyền từ tay Chính phủ. Ông Suthep, với tư cách là "đại diện toàn quyền" của nhân dân sẽ lập ra một bộ máy chính quyền mới để tiến hành cải cách, sửa đổi Hiến pháp và pháp luật của Thái Lan.

Nhà lãnh đạo biểu tình Suthep nói: "Với tư cách là người đứng đầu lực lượng giành chính quyền, tôi sẽ ký tiếp nhận  phê chuẩn của Nhà Vua để lập Thủ tướng và Chính phủ nhân dân, rồi thành lập Hội đồng lập pháp của nhân dân".

Ngoài ra, ông Suthep còn tuyên bố sẽ tịch thu tài sản và bắt giam các chính trị gia thuộc phe Chính phủ.

Theo các nhà phân tích chính trị, tuyên bố của ông Suthep như "thêm dầu vào lửa" và sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe Chính phủ cũng như của lực lượng ủng hộ dân chủ Thái Lan; vì cách thức giành chính quyền của ông Suthep là hoàn toàn trái với Hiến pháp và phi dân chủ.

Ngay cả ông Anuthin, Chủ tịch đảng "Tự hào Thái Lan" thuộc phe đối lập cũng nhận định, cách thức giành chính quyền nêu trên của ông Suthep không phải là lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị và sẽ gây thiệt hại cho thể chế chính trị Thái Lan về lâu dài.

Tuy nhiên, đa số dư luận xã hội và chính giới Thái Lan đều cho rằng, diễn biến tình hình chính trị Thái Lan vẫn chưa thực sự đến mức xảy ra "nội chiến", nếu các thế lực trên chính trường Thái Lan tỉnh táo, cân nhắc thận trọng để sớm đàm phán, thỏa hiệp nhằm giải quyết hòa bình các mâu thuẫn, trước khi quá muộn./.