Hôm qua (27/8), Phó Chánh Văn phòng Chính phủ Chinnaworn Boonyakiat cho biết, bản kiến nghị của liên minh các đảng cầm quyền sẽ chuyển tới Hạ viện để thông qua sau khi Hội đồng Nhà nước, nhóm cố vấn pháp lý của chính phủ hoàn thành văn bản, trong đó có nội dung về vai trò của Thượng viện trong tương lai.

Hội đồng soạn thảo của chính phủ sẽ có 240 ngày để xây dựng dự thảo sửa đổi hiến pháp, việc thông qua sẽ được quyết định thông qua trưng cầu ý dân trong trường hợp Hạ viện bác bỏ đề nghị của các đảng liên minh. Một sửa đổi quan trọng đầu tiên cần phải nghiên cứu đó là điều 256, quy định quy tắc và trình tự sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung phải thực hiện trưng cầu ý dân toàn quốc nếu tiến hành sửa đổi các chương về các điều khoản chung và Nhà Vua.

Quá trình sửa đổi hiến pháp tại Thái Lan được khởi động sau khi các tầng lớp thanh niên, sinh viên tiến hành một loạt các cuộc biểu tình trong thời gian từ tháng 7/2020 tới nay. Một trong những yêu cầu của lực lượng biểu tình là yêu cầu xây dựng bản Hiến pháp mới dân chủ hơn, thay thế bản Hiến pháp 2017 do Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan – NCPO chủ trì soạn thảo và giảm bớt vai trò của Thượng viện hiện nay, vốn do NCPO chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm và có quyền bỏ phiếu bầu Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ vào năm 2023 tới./.