Đêm 1/4, Thái Lan đăng công báo cho biết, Nhà vua Thái Lan vừa ra chiếu chỉ phê chuẩn đề nghị bãi bỏ thiết quân luật mà Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trình lên. Tuy nhiên sau đó, một Lệnh khác đáng chú ý vừa được Thủ tướng Thái Lan công bố.
Lệnh thiết quân luật đề nghị được bãi bỏ do lục quân Thái Lan tuyên bố áp dụng ngày 20/5/2014, hai ngày trước khi quân đội Thái Lan tiến hành làm đảo chính (22/5/2014), lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Việc bãi bỏ thiết quân luật nhận được sự đồng tình của dư luận tại Thái Lan cũng như quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số nội dung đáng chú ý trong Lệnh này là việc các nhà chức trách (cấp cao) có quyền ra lệnh lục soát, bắt giam và tạm giam không quá 7 ngày những đối tượng nghi vấn nếu thấy có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cũng như một số vấn đề khác.
Nếu chống đối, các đối tượng có thể đối mặt hình phạt tối đa là 1 năm tù và 20.000 bạt (13 triệu đồng). Lệnh cũng quy định cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên, trừ trường hợp được phép. Khung hình phạt cho đối tượng vi phạm cao nhất là 6 tháng tù và phạt 10.000 bạt. Lệnh cũng cho phép các nhà chức trách (cấp cao) có quyền cấm báo chí xuất bản nếu xét thấy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Lệnh của Chủ tịch NCPO Prayuth Chan-ocha dựa theo điều 44 của Hiến pháp tạm thời Thái Lan, trong đó trao toàn quyền cho Chủ tịch NCPO thực hiện các hoạt động mang tính lập pháp, hành pháp hay tư pháp để trấn áp các hoạt động phá hoại việc cải cách hay an ninh quốc gia. Tùy theo đánh giá, Chủ tịch NCPO có thể tiếp tục ra các lệnh khác để kịp thời đối phó với tình hình.
Trước đây, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từng nhiều lần đe dọa sử dụng điều 44 của hiến pháp ngay cả khi thiết quân luật đang có hiệu lực. Và nay, sau khi thiết quân luật được bãi bỏ, việc sử dụng điều 44 theo quyền mà hiến pháp quy định sẽ được hiện thực rõ thông qua các Lệnh của Chủ tịch NCPO đồng thời là nhà lãnh đạo hành pháp cao nhất Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha./.