Tàu Hayabusa có thể đã mang về những mẫu bụi cát đầu tiên từ tiểu hành tinh cách Trái đất khoảng 300 triệu km này.

Theo JAXA, khoang đổ bộ chịu nhiệt của tàu thăm dò Hayabusa tách khỏi thân tàu Hayabusa ở độ cao cách Trái đất 74.000km lúc 19h51’ ngày 13/6 (giờ Nhật Bản). 3 tiếng sau nó đã bay vào khí quyển Trái đất.

Khoang đổ bộ này đã mở dù ở độ cao 10km và rơi xuống sa mạc Woomera ở miền Nam Australia, trong khi thân tàu Hayabusa bốc cháy trong khí quyển.

Hayabusa-1.jpg

Hayabusa hoàn thành nhiệm vụ thăm dò tiểu hành tinh Itokawa, trở về Trái đất an toàn (Ảnh: AP)

Đội tìm kiếm bằng máy bay trực thăng đã xác định được vị trí của khoang đổ bộ. Các nhà khoa học dự kiến tiếp cận khoang đổ bộ có đường kính 40cm trong ngày 14/6.

Sau khi được phóng lên khoảng không vũ trụ vào tháng 5/2005, tàu Hayabusa đã du hành 6 tỷ km, bay 5 vòng quanh mặt trời và đáp xuống bề mặt tiểu hành tinh Itokawa. Đây là lần đầu tiên trên Thế giới một tàu thăm dò vũ trụ đáp xuống tiểu hành tinh này và trở về Trái đất an toàn sau khi khắc phục được hàng loạt trục trặc kỹ thuật.

Mặc dù không lấy được mẫu đất đá theo đúng kế hoạch nhưng có khả năng dụng cụ thu mẫu của tàu Hayabusa đã lấy được mẫu bụi cát trên bề mặt tiểu hành tinh Itokawa.

Các nhà khoa học hy vọng mẫu bụi cát này sẽ giúp họ khám phá nguồn gốc và quá trình tiến hóa của Hệ Mặt trời./.