Ít nhất 1 ngư dân Ấn Độ thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau khi tàu hải quân Mỹ nã đạn vào một thuyền nhỏ hôm 16/7 ở bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ việc nhưng giới chức Mỹ cũng không vội vàng đổ lỗi cho khủng bố hay một lực lượng nào liên hệ với Iran về trách nhiệm của vụ việc không hay này.

Tau-My.jpg
Tàu USNS Rappahannock của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Lý do chiếc thuyền nói trên tiếp cận tàu tiếp nhiên liệu USNS Rappahannock  của Hải quân Mỹ vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chiếc thuyền đã phớt lờ rất nhiều lời cảnh báo về việc không được tiếp cận quá gần với tàu tiếp nhiên liệu USNS Rappahannock. Các thủy thủ trên tàu Mỹ sợ rằng, chiếc thuyền đó có thể là một mối đe dọa nên đã nã đạn vào nó.

Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Bahrain cũng ra tuyên bố khẳng định, việc tàu Mỹ bắn một chiếc thuyền ở vùng Vịnh là phương sách cuối cùng. Một nhóm an ninh trên tàu đã buộc phải bắn chiếc thuyền sau khi nó phớt lờ mọi lời cảnh báo và nhanh chóng tiến về phía tàu Mỹ ở gần Jebel Ali.

Hạm đội 5 của Mỹ được bố trí ở Bahrain để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động đáng lo ngại nào của Iran. Hải quân Mỹ đang củng cố lực lượng ở vùng Vịnh Persian sau khi căng thẳng giữa nước này với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân đang leo thang nghiêm trọng.

Theo hãng tin Reuters, Hải quân Mỹ luôn phải cảnh giác cao độ bởi một con thuyền dù rất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm.

Năm 2000, hai kẻ đánh bom tự sát cùng một chiếc thuyền chất đầy chất nổ đã tiếp cận tàu USS Cole gây ra vụ nổ lớn khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Kể từ sau vụ việc trên, Hải quân Mỹ luôn có đề phòng cao với những chiếc tàu thuyền nhỏ tiếp cận lại gần các tàu của họ, nhất là những tàu thuyền của Iran.

Sau khi vụ việc xảy ra, một quan chức Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất có tên là Tareq Amed al-Hidan cho hãng tin WAM biết, các đơn vị chức năng hiện đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.

Ngay trước khi tin tức về vụ nổ súng được đưa ra, Lầu Năm Góc công bố sẽ tăng triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tới Trung Đông, khẳng định Mỹ duy trì hai trong số các tàu hạt nhân lớn của nước này và “đoàn tùy tùng” tàu chiến tới khu vực.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói rất mập mờ về động cơ đằng sau quyết định phái tàu sân bay USS John C. Stennis sớm hơn dự kiến 4 tháng. Ông phủ nhận vụ việc liên quan trực tiếp tới Iran.

Vụ việc tàu hải quân Mỹ nã đạn vào một thuyền nhỏ hôm 16/7 ở bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất xảy ra khi quân đội Mỹ củng cố sự hiện diện trong khu vực, phái thêm tàu chiến, triển khai một căn cứ hải quân nổi và tăng gấp đôi số tàu rà phá bom mình trong những tháng gần đây.

Vụ việc lần này một lần nữa lại cho thấy, sự nhạy cảm của những cuộc đối đầu tại vùng Vịnh và diễn biến dẫn tới đổ máu nhanh tới chóng mặt ở khu vực vốn đang rất căng thẳng này trong bối cảnh Iran liên tiếp đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz.

Trong khi đó, ngày 15/7 Iran tái đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz, eo biển chiến lược chiếm 40% lượng dầu trung chuyển trên biển của thế giới, nếu bị áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này./.